Bài báo 'Cả làng bắt gỗ lậu' trên Thanh Niên được đưa vào… xẩm

21/06/2015 10:30 GMT+7

(TNO) Từ bài báo Cả làng bắt gỗ lậu đăng trên Báo Thanh Niên về những người dân làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) ra tay chặn bắt lâm tặc chở gỗ, nhóm Xẩm Hà Thành đã nhen lên ý định thực hiện MV Xẩm trà đá, đề cập đến những vấn đề thời sự nóng. MV đã chính thức ra mắt hôm nay 21.6, nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

(TNO) Từ bài báo Cả làng bắt gỗ lậu đăng trên Báo Thanh Niên về những người dân làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) ra tay chặn bắt lâm tặc chở gỗ, nhóm Xẩm Hà Thành đã nhen lên ý định thực hiện MV Xẩm trà đá, đề cập đến những vấn đề thời sự nóng. MV đã chính thức ra mắt hôm nay 21.6, nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

xam-tra-daHình ảnh trong MV Xẩm trà đá 
MV Xẩm trà đá có độ dài gần 9 phút, có thể coi là một liên khúc xẩm gồm nhiều bài được gắn kết với nhau bằng một nội dung câu chuyện, trong đó có 4 bài hát chính: Tắm tri ân, Dân làng tự lo giữ rừng, Bỏ con bơ vơ, Máy bay rơi. Phần lời do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác, trong đó có sử dụng 1 bài thơ của tác giả Duy Tuấn. Các nghệ sĩ của nhóm xẩm Hà Thành có Khương Cường, Nguyễn San, Nguyễn Quang Long tham gia trong MV.

Một khách mời đặc biệt trong MV này là Sonya Sương Đặng - Hoa hậu quý bà châu Á tại Mỹ. Vì yêu thích nghệ thuật xẩm, Sonya Sương Đặng đã không ngại chuyến hành trình dài từ Mỹ trở về Việt Nam tham gia ghi hình trong MV với vai diễn là cô bán trà đá.

“Bài báo của Báo Thanh Niên đã giúp tôi hình thành ý thơ cho bài xẩm”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ. Anh cho hay toàn bộ nội dung của MV đều là những vấn đề thời sự lớn đang xảy ra trong thời gian gần đây cùng với câu chuyện lâm tặc phá rừng và sự can đảm của đồng bào dân tộc Bahnar ở làng Kon Sor Lak (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã tự tổ chức vây bắt gỗ lậu do lâm tặc chặt phá trước sự bất lực của chính quyền địa phương, cũng như kiểm lâm.

Bên cạnh câu chuyện trên, còn chuyện ứng xử văn hóa tại Công viên nước Hồ Tây khi công viên này mở cửa miễn phí vào đầu mùa hè; hay chuyện về tình mẫu tử trước nạn những bà mẹ trẻ hiện nay bỏ con thơ mới đẻ bơ vơ trước cuộc đời; chuyện về an toàn hàng không, sự bất an của mọi người khi di chuyển bằng máy bay sau quá nhiều vụ tai nạn hàng không với nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau xảy ra trên toàn thế giới trong 2 năm trở lại đây… Tất cả những câu chuyện này đều rất ồn ào trên mặt báo, gây nhức lòng người dân trong suốt một thời gian dài.

xam-tra-daHậu trường quay MV
Hình ảnh Báo Thanh Niên đã xuất hiện trong MV Xẩm trà đá, như để cho thấy báo chí luôn đồng hành cùng cuộc sống, cập nhật những tin tức thời sự nóng hổi. Trong bài xẩm, câu chuyện của Cả làng bắt gỗ lậu được chuyển tải qua những câu hát: “Ở tận Chư Păh xa xôi/Ngày ngày quân - trộm cướp i ơ lôi nhau lên rừng/Chặt cây trộm gỗ tưng bừng/Quan không phát hiện nên - dân đừng có lo/ Chẳng phải lý lẽ quanh co/Dân làng Kon-Sơ Lăl tự lo giữ rừng/Quân gian tham hãy coi chừng/Chúng bay mà - chặt phá rừng là bắt ngay”.

MV Xẩm trà đá do nhóm Xẩm Hà Thành tự góp tiền thực hiện, mở đầu cho dự án Tinh hoa nhạc Việt sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Một trong những đặc trưng của xẩm là khai thác vấn đề thời sự, nhấn mạnh yếu tố truyền thông. Từ xa xưa, các nghệ nhân hát xẩm đã luôn biết sáng tác hoặc ứng tác trực tiếp những vấn đề mang tính thời sự được cộng đồng nơi các nhóm hát xẩm đang hoạt động quan tâm. Cũng chính với thế mạnh về truyền thông, trong quá khứ, có thể do phát sinh từ thời cuộc mà các nghệ nhân hát xẩm đã hát lên những lời ca thúc giục các chí sĩ ra đi tìm đường cứu nước, hoặc thấm nhuần tư tưởng cách mạng…

Xẩm trà đá là minh chúng cho việc ngày hôm nay, xẩm cũng có thể tiếp tục thế mạnh đó góp sức giúp cuộc sống tích cực hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển…

Nhóm Xẩm Hà Thành thành lập từ cách đây 5 năm, gồm các thành viên là nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu: Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Trần Đình Dũng, Nguyễn Văn Hải. Mỗi thành viên đều có những công việc riêng, luôn sẵn sàng bỏ tiền túi để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong suốt những năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.