Thời gian đi từ TP.HCM đến biển Tân Thành chừng trên dưới hai giờ đồng hồ theo quốc lộ 50, đi qua thị trấn Cần Giuộc rồi Cần Đước (Long An) tới bờ Bắc sông Soài Rạp. Qua phà Mỹ Lợi tới đất Gò Công, đi thêm 25 km thì đến biển Tân Thành.
Bãi cát đen, nước biển đục ngầu. Khi trời chiều, nước triều xuống, bãi cát đen rộng mênh mông. Đấy là giờ dân biển đi cào nghêu. Khách tới chơi cũng đi theo, túm tụm trên bãi vừa xem vừa cùng cào nghêu. Cào cả buổi chiều được 1-2 kg, cân ký rồi luộc ăn tại chỗ. Nghêu Tân Thành to con, ngọt thịt, là món “chủ lực” ở đây. Ngoài ra còn có con sam làm nên tên tuổi của xứ Tân Thành. Người dân ở đây nói với khách rằng chưa ăn sam thì kể như chưa đến đây. Khách du lịch có thể cùng tham gia đi săn sam. Mùa của sam là từ tháng 10 cho tới tháng 2 âm lịch. Sam lên bờ, vùi thân dưới cát đẻ trứng. Buổi tối, đội đèn đi dọc bờ biển là bắt được sam. Còn khi trái mùa, sam ở ngoài biển xa, muốn săn phải lặn dưới đáy biển sâu. Trứng sam rất ngon, máu sam có màu trắng, dân địa phương thường lấy máu sam pha với rượu uống, cũng trở thành một đặc sản của xứ này. Nhằm khi nước lớn, bạn có thể theo thuyền thúng, bơi ra các chòi canh nghêu nằm rải rác trên biển. Leo lên chòi nằm ngắm ra khơi xa cũng rất thú. Nhìn lên phía Bắc, thấy núi Vũng Tàu mờ mờ ẩn hiện.
Có những bungalow dọc bờ biển để cho khách nghỉ lại. Bungalow đơn giản, chỉ có cái giường nằm. Điện chập chờn, khi có khi cúp, phải xài đèn dầu. Vậy mà hay. Phía sau là rừng đước rậm rịt. Gió biển thốc ù ù suốt đêm. Một đêm ngủ cũng vài phen “đứng tim” với những người nhát cáy. Nhưng sáng ra, bãi biển tuyệt đối yên tĩnh, đi ra cầu tàu ngắm mặt trời mọc. Cây cầu tàu 300m, vươn dài ra biển dành cho khách đi dạo, lúc nào cũng đẹp, khi bình minh, hoàng hôn hay đêm xuống. Trước khi rời khỏi Gò Công, trên đường về, đi thêm mươi km nữa, bạn có thể ghé qua chợ Vàm Láng, nơi đầu mối hải sản với hầu hết sản phẩm biển Gò Công, rất phong phú mà giá lại rẻ.
Bài & ảnh: Thủy Linh
Bình luận (0)