Bài học từ một giảng đường vắng ngắt

13/10/2017 14:49 GMT+7

Câu chuyện giảng đường chỉ có 5/400 sinh viên có mặt trong một buổi nói chuyện chuyên đề thực tế đầu năm học đang gây ra nhiều tranh luận. Lỗi từ sinh viên, từ trường hay từ chính chuyên gia, nội dung bài giảng?

Giảng đường vắng ngắt này đã gợi ra rất nhiều điều Ảnh: Chị L.Đ cung cấp
Điều cần học là thái độ
Câu chuyện này được chia sẻ đầu tiên và được một số người biết đến trên Facebook cá nhân của ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ông Tuấn Anh khá gay gắt khi nói đến thái độ học tập của tân SV. 
Nhận định về câu chuyện này. Đức Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng việc học của sinh viên trong 4 năm lớn nhất không hẳn là kiến thức, mà chính là thái độ. Thái độ đã không tốt thì một bụng kiến thức cũng chẳng làm được gì. 
Điều đáng ngạc nhiên, nhiều giảng viên cho biết mình đã từng gặp trường hợp tương tự. Một giảng viên ĐH cho biết có một tiết anh dạy chỉ có 7/30 sinh viên đến lớp. Anh vẫn dạy như bình thường nhưng đề thi cuối kỳ có phần nội dung từ buổi học ngày hôm đó. Tất nhiên nhiều sinh viên không làm bài được ở phần này!
Ông Nam Hải, một nhà giáo lớn tuổi tại Hà Nội, cho rằng hiện tượng này rất đáng buồn. Tuy nhiên, chúng ta cần thừa nhận một điều là giáo dục bậc phổ thông rất có vấn đề, kỹ năng sống và ứng xử từ bậc phổ thông gần như con số 0. Điều này trách các em một phần thôi, còn lại các nhà trường phổ thông và cao hơn nữa phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Tuy nhiên các trường ĐH khi tiếp nhận các em cần thấy ngay vấn đề này để có chương trình giáo dục đầu khóa cho phù hợp và phải thật quyết liệt và coi trọng tuần sinh hoạt đầu khóa này. Cần trang bị cho các em ngay các kỹ năng còn yếu khi mới nhập học. 
Anh Hồ Tạ, một cựu giảng viên ĐH đang đi học ở Nga, cũng cho biết không thể chối bỏ trách nhiệm từ phía giảng viên. Nhưng sinh viên cũng nên nhìn lại mình. “Tôi đang học ở nước ngoài, sinh viên có một thái độ hoàn toàn khác sinh viên ở Việt Nam. Ngày nào đi học cũng 4-5 cuốn sách cho 1 môn, rất nhiều việc phải làm nhưng chưa nghe một câu than vãn. Điều này khác với sinh viên ở Việt Nam, luôn than vãn khi có bài tập về nhà hoặc đề tài làm ở nhà”, anh Tạ nói.
Sinh hoạt chuyên đề chưa hấp dẫn?
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là tình trạng đối phó ở các buổi nói chuyện chuyên đề của một số trường dần dà làm sinh viên cảm thấy không còn hứng thú. Từ đó, sinh viên mặc định rằng các buổi nói chuyện này đều rất nhàm chán. Sau sự việc xảy ra, chúng tôi có hỏi một số sinh viên không có mặt trong ngày hôm đó thì nhận được câu trả lời là: Nghe nhiều anh chị nói một số chương trình tương tự nhàm chán lắm nên ở nhà luôn!
Ở câu chuyện cụ thể này còn có lỗi từ nhà trường trong việc phổ biến đến sinh viên. Theo lời chị L.Đ, diễn giả chính của ngày hôm đó, trước khi nói chuyện ở đây, chị đã có nhiều buổi nói chuyện ở các trường khác. Và giảng đường bao giờ cũng chật kín. Lý do không kém phần quan trọng là ở các trường khác, người tổ chức còn phổ biến trước cho sinh viên về chuyên đề, nội dung, tạo sự kích thích cho sinh viên trước khi diễn ra buổi nói chuyện. Với chuyên gia chia sẻ, các thầy cô còn xin thông tin để biết trước nội dung buổi nói chuyện, thậm chí đề xuất thêm một số nội dung phù hợp với các ngành học của sinh viên trong trường. 
Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nơi diễn ra câu chuyện trên, thì đây là lần đầu tiên trong trường xảy ra hiện tượng này. Trường sẽ không kỷ luật sinh viên mà sẽ có những cách truyền thông, giáo dục ý thức để hạn chế lặp lại tình huống tương tự về sau; đồng thời cho sinh viên thấy sự cần thiết của việc rèn luyện kỹ năng, được tạo cơ hội trang bị kỹ năng và có trách nhiệm sau khi đăng ký tham dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.