Mấy hôm nay, câu chuyện về nam thí sinh ở Đà Nẵng bị đình chỉ thi tốt nghiệp (đồng thời là kỳ thi vào đại học) do mang điện thoại trong người và bị phát hiện vào những phút cuối làm bài thi, khi người bố đợi bên ngoài sốt ruột gọi cho con, gây bàn tán khắp các diễn đàn.
Nhiều người đồng tình vì cho rằng thí sinh này đã vi phạm quy chế thi. Nhưng cũng có người tỏ ra thương cảm do việc xử lý có phần quá nghiêm khắc, có thể đánh hỏng tương lai một thanh niên, hủy hoại hy vọng của gia đình cậu ấy. Nhưng theo tôi, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có thái độ đúng đắn khi Chánh thanh tra Bộ, ông Nguyễn Huy Bằng, một mặt bày tỏ sự “cảm thông với những trường hợp vi phạm quy chế một cách đáng tiếc”, mặt khác cũng dứt khoát quan điểm phải xử lý nghiêm khắc các vi phạm.
Nếu không có ý định gian lận, hay thật lòng tôi vẫn nghĩ: chỉ là cố tình phớt lờ quy chế thi, cậu ấy (hay nhiều thí sinh mắc lỗi tương tự) đã có thể bỏ điện thoại vào cặp, túi gửi tạm ở khu vực giữ đồ cho thí sinh được tổ chức ở các hội đồng thi.
Cậu ấy đã phạm lỗi và phải nhận hình phạt tương ứng! Nói vậy nghe có vẻ “cạn tàu ráo máng”. Nhưng đó cũng là câu trả lời của một giáo sư nước ngoài nói với tôi cách đây hơn 10 năm. Hồi đó, chính xác là năm 2003, tôi đang học thạc sĩ tại Vương quốc Bỉ. Hôm thi môn sinh thái học nhân văn cuối học kỳ 1 của năm nhất, một học viên người Trung Quốc cũng bị đình chỉ thi khi mang theo một số tờ giấy ngoài quy định. Cậu học viên bị phát hiện, cũng vào lúc sắp làm xong bài, đã mang theo một số tờ giấy có ghi vài nội dung liên quan đến môn thi, kẹp trong quyển từ điển. Cậu giải thích đó chỉ là những điều cậu ghi trên giấy khi ôn thi và vô tình để quên trong cuốn từ điển. Nhưng giám thị dứt khoát tịch thu bài làm và mời cậu ra khỏi phòng thi ngay lập tức.
Ngày ấy, lo sợ người đồng hương có thể bị đuổi học, các học viên Trung Quốc xúm nhau viết thư trình lên nhà trường để xin giùm. Họ cũng vận động các học viên quốc tế khác trong lớp hưởng ứng việc này. Một giáo sư đã dứt khoát nói với tôi: “Gian lận trong thi cử dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một hành vi nghiêm trọng” và khuyên tôi không nên “dây vào” mà cứ để nhà trường xử lý theo đúng quy định. Cuối cùng, nhà trường không quá mạnh tay với trường hợp vi phạm hiếm hoi này, nhưng cậu ấy phải thi lại môn này vào năm sau.
Chúng ta có thể thương cảm cho hoàn cảnh của cậu học sinh ở Đà Nẵng hay những thí sinh khác, nhưng cũng nên nghĩ đến hậu quả của những lần chúng ta dễ dãi bỏ qua các vi phạm tưởng chừng không có gì nghiêm trọng. Hậu quả đó là chuyện rất nhỏ như tiếng chuông vẫn reo trong các hội nghị dù được ban tổ chức nhắc nhở trước hay lớn hơn là thái độ xem thường luật lệ ăn sâu trong ý thức của nhiều thế hệ mà để thay đổi không hề dễ dàng. Đây phải là bài thi thứ nhất về ý thức kỷ cương cho người trẻ trước lúc vào đời.
Bình luận (0)