Những bậc trưởng thượng rành rẽ Hán văn ở quê tôi (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thường kể câu chuyện sau đây để minh họa cho việc người thanh niên ngày xưa chăm học thế nào, dùng văn chương chữ Hán làm thơ để khai báo với quan trên ra sao.
Câu chuyện nghe nói xảy ra dưới triều vua Bảo Đại, khi chữ Hán đã bị bãi bỏ trong thi cử nhưng việc học chữ Hán thì vẫn còn. Một điều dễ hiểu là chuyện dạy quốc ngữ chưa phát triển rộng rãi trong xã hội nông thôn thời ấy. Người ta coi chữ Hán là chữ của thánh hiền nên vẫn học.
Chuyện rằng làng nọ có một cây đa to, cành lá sum suê đứng cạnh một bờ sông rất thơ mộng. Những ngày hè, các bác nông phu đi làm đồng về thường dừng lại nơi đó nghỉ mát, uống nước; những người đi chợ thường dừng lại nghỉ chân. Đó cũng là nơi trẻ con tụ họp đùa vui.
Thế nhưng nể sợ cây đa linh thiêng, người làng thấy bóng chiều xuống bên kia sông, đêm sắp đến là không dám ngồi dưới gốc đa nữa, phải về nhà ngay.
Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò - câu ngạn ngữ nói không sai. Có một cậu học trò mười bảy tuổi rất chăm chỉ thường cầm sách leo lên cây đa ngồi học. Bờ sông mát mẻ, bóng cành lá tỏa ra mát mẻ; cây đa là chỗ học bài thú vị nhất của cậu học trò. Cậu mặc tình học hành, khi lại cao hứng cầm bút làm thơ, không chú ý đến những chuyện xảy ra dưới gốc cây đa cả.
Một ngày kia chiều đã xuống hẳn, người làng đã về nhà hết, cậu học trò bỗng nhiên nhìn thấy một đôi trai gái kẻ trước người sau đi từ hai hướng khác nhau đến chỗ gốc đa. Sau khi nói chuyện một lúc, đôi trai gái không thấy có ai qua lại quãng đường làng vắng vẻ này, bèn vầy cuộc mây mưa. Vốn là thiếu niên đầu óc trong sáng, cậu học trò không muốn chứng kiến cảnh tế nhị ấy, ngặt một nỗi là chạng vạng đã đến nhưng không dám leo xuống, không biết làm sao về nhà ăn cơm được. Cậu bồn chồn lo âu, đánh rơi quyển sách. Quyển sách rơi xuống cạnh chỗ cặp nam nữ.
Thấy quyển sách rơi xuống, cô gái nhanh trí hiểu ra trên cây đa có người nhìn thấy chuyện của họ. Cô la lên “Hiếp dâm! Hiếp dâm!”. Nghe tiếng kêu cầu cứu, người làng túa ra. Chàng trai còn đang ngơ ngác, mới... cột dây lưng quần xong thì mọi người đã ùa tới. Cô gái mồm năm miệng mười, vừa khóc vừa nói mình đi qua quãng đường vắng này bị chàng trai giở trò thô bạo, cưỡng bức tình dục. Làng xóm nghe vậy, trói người con trai rồi mời lý trưởng đến phân xử.
Lúc bấy giờ, cậu học trò mới từ trên cây đa leo xuống, nhặt lại quyển sách đánh rơi. Lý trưởng dạy rằng vụ việc sẽ được đưa lên cho quan tri huyện xử; cậu học trò phải “ra tòa” làm nhân chứng cho vụ án này.
Ngày ấy tháng ấy, cậu học trò nhận được trát huyện đòi lên huyện. Huyện đường đông đen người đến coi xử án khiến cậu học trò mới mười bảy tuổi phải lo sợ. Trước mặt tri huyện, cô gái vẫn vừa khóc vừa khai bị người thanh niên dùng sức mạnh ép vào gốc đa để cưỡng bức tình dục. Ngược lại, chàng thanh niên thì cứ một mực kêu oan, khai hai người đã hẹn hò nhau trước đến dưới gốc đa và thuận tình làm chuyện mây mưa. Cuối cùng tri huyện gọi đến cậu học trò, dạy rằng phải khai thật những điều đã được chứng kiến.
Cậu học trò xấu hổ, thưa rằng mọi chuyện khó khai ra bằng lời nói. Cậu xin tri huyện cho giấy bút để cậu khai bằng văn tự. Tri huyện đồng ý, cho người mài mực, mang bút lông ra. Cậu học trò bèn viết ngay... một bài thơ chữ Hán gồm 47 chữ, như vầy:
“Nam tự đông nhi lai/ Nữ tự tây nhi chí/ Nam khắc mộc vi sàng/ Nữ giải y vi tịch/ Nữ ngọa như long phi/ Nam quỵ như hổ phục/ Tứ túc lai giao, lưỡng diện đồng/ Tiền sơ sơ, hậu mật mật/ Trung thực tường khai”. Tôi xin diễn nôm để các bạn dễ hiểu: “Nam từ hướng đông sang/ Nữ từ hướng tây lại/ Nam bẻ cây làm giường/ Nữ cởi áo làm chiếu/ Nữ nằm như rồng bay/ Nam quỳ như cọp nấp/ Bốn cẳng quéo nhau, hai mặt úp/ Trước còn từ từ, sau dồn dập/ Thẳng thắn khai trình”.
Tri huyện đọc to bài thơ, giải thích từng câu, từng chữ. Ông tin rằng những lời khai của cậu học trò là trung thực. Qua các câu 3, 4, 5, 6, ông biết rằng đôi trai gái này thuận tình làm chuyện mây mưa, chẳng ai dùng sức mạnh cưỡng bức ai cả. Đọc đến hai câu 7 và 8, ông bật cười thú vị với cách miêu tả ít lời nhiều ý của cậu học trò về cái cảnh đôi nam nữ thực hiện động tác mây mưa, chữ nghĩa thật hay vô cùng vô kể.
Ông khen cậu học trò học hành chăm chỉ, chữ viết tốt, thi tứ dồi dào, dù là kể lại câu chuyện dâm ô nhưng văn từ vẫn trang nhã, ít lời mà nội dung rõ ràng đầy đủ. Ông mắng cô gái điêu toa khai trình dối trá để chạy tội. Ông mắng chàng trai dâm ô, vô trách nhiệm, làm chuyện mây mưa ngoài đường ngoài sá, ảnh hưởng tệ hại tới phong hóa làng xóm. Mỗi người bị đánh mười roi mây. Ông dạy cha mẹ hai bên trai gái phải tổ chức lễ thú xin lỗi làng xã, sớm cho cặp trai gái cưới nhau kẻo miệng thế chê cười.
Riêng với cậu học trò viết bài thơ làm chứng, ông khen ngợi mười phần. Theo ông với cái tài hoa này mà Nam triều còn mở các khoa thi thì chàng trai có thể đạt cái cử nhân như chơi. Ông thưởng cho cậu học trò mười quan tiền, lại dạy lý trưởng phải giúp đỡ chàng trai học hành tiến bộ thêm nữa.
Tôi nghe kể câu chuyện về bài thơ làm chứng trên đây năm mới lên lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay). Hồi ấy, tôi mới vừa học được mấy chữ Hán văn cổ, cảm thấy bài thơ thú vị. Thế nhưng không ngờ lớn lên, tôi đi làm báo, đọc được nhiều hồ sơ và án văn các vụ án hình sự có liên quan đến cưỡng bức tình dục khiến tôi không khỏi không liên tưởng đến bài thơ làm chứng của người xưa được truyền tụng thành một giai thoại trong dân gian.
Chuyện mây mưa của nam nữ ở những nơi công cộng vắng vẻ thì bao giờ cũng có. Thế nhưng nếu có người thứ ba bắt gặp hoặc lỡ vô tình nhìn thấy thì người nữ có khuynh hướng la lên rằng bị cưỡng bức tình dục để đổ hết tội lỗi cho chàng trai. Tôi đã được đọc nhiều hồ sơ vụ án như vậy xảy ra ở các huyện miền núi và nông thôn. Trong trường hợp này, tòa xử theo tinh thần trọng chứng hơn trọng cung, nghĩa là căn cứ vào lời khai của nhân chứng để giải quyết vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự của đất nước ta cũng chỉ rõ ra rằng lời khai của nhân chứng là rất quan trọng, giúp tòa án xét xử công bằng, đúng pháp luật bất kỳ vụ án nào. Ở các nước, nhân chứng ra tòa luôn luôn phải đọc lời thề: “Tôi xin thề nói (khai) đúng sự thật và chỉ có sự thật”. Sở dĩ người ta đưa yếu tố thần quyền đó vào tòa án là bởi người ta muốn buộc nhân chứng vào niềm tin tâm linh (lời thề) để nhân chứng khỏi khai gian, khai dối, có lợi cho một bên nào đó. Ở nước ta không có lời thề ấy nhưng qua nhiều vụ án, tôi vẫn tin rằng lời khai nhân chứng là trung thực, công bằng.
Người xưa xử án khó hơn tòa án ngày nay bởi ngày xưa chưa có những kết luận pháp y mang tính khoa học chuẩn xác. Thí dụ trong các vụ án cưỡng bức tình dục, ngày xưa không thể có kết luận về vết rách của màng trinh ở múi giờ nào, không thể có kết luận về ADN tinh trùng lấy được là của ai. Chính vì vậy mà những người chấp pháp ngày xưa đặc biệt tin tưởng vào lời khai của nhân chứng, nhân vật thứ ba ngoài hai bên nguyên và bị.
Tôi không biết bài thơ chữ Hán làm chứng của người học trò ngày xưa có còn được lưu giữ lại đâu đó trong thư tịch của đất Quảng Nam hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy thú vị bởi có một bài thơ làm chứng, khai báo về chuyện tình dục ngắn gọn, súc tích mà trang nhã đến như vậy. Tôi nghĩ bài thơ trên đây xứng đáng được giữ lại như là một phần trong văn hóa làng xã của đất Quảng Nam.
Vũ Đức Sao Biển
>> Tác giả bài thơ 'Lời tình buồn' qua đời
>> Cô du kích" trong bài thơ "Quê hương" qua đời
>> Bản quyền bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" được trả 300 triệu đồng
>> Hiện tượng 3 đêm viết 63 bài thơ: "nhập đồng" bí ẩn hay đạo văn?
Bình luận (0)