Ông Bùi Ngọc Sang năm nay đã hơn 70 tuổi. Từ năm 1975 đến nay, ông đã sử dụng phương thuốc gia truyền của mình để chữa khỏi bệnh rọm cho cả trăm người trong xã Dương Hoà, một xã nghèo ở thượng nguồn sông Hương. Dù gia cảnh của ông cũng chẳng khá giả gì, nhưng mỗi khi chữa trị xong, ông không lấy ai một đồng tiền công. Người bị bệnh nặng (gây thối thịt, vùng nhiễm lở loét nặng...) buộc phải nội trú tại nhà ông để điều trị, theo dõi, thì bà Mặng- vợ ông Sang, lo cơm cháo cho bệnh nhân, còn ông một mình lặn lội vào rừng sâu tìm cây thuốc rọm mang về chữa trị.
|
Tại Dương Hoà, tính từ sau năm 1975 đến nay, hầu như năm nào cũng có người mắc bệnh rọm. Ngay trong các năm 2008-2009, ít nhất cũng có bốn người mắc căn bệnh này. Cả bốn trường hợp đều từng đến một số cơ sở y tế chữa trị nhưng vẫn không khỏi, cuối cùng nhờ đến phương thuốc ông Sang mà được chữa lành. “Dương Hoà là vùng đất núi đồi, sông suối nên đi lại khó khăn, nhất là mỗi lúc nhà có người đau ốm. Bản thân tui cũng hai lần bị rọm. Lần thứ nhất được ba bác Sang chữa, lần thứ hai được chính bác ấy chữa. Tui cũng như nhiều người dân làng xã ni nhờ bác ấy, chứ nếu đi bệnh viện e tốn bạc triệu!”, bà Phan Thị Bòng, 57 tuổi, người thôn Hạ kể lại.
Ông Phan Hữu Hiền, cán bộ UBND Dương Hoà, cha của bệnh nhân Phan Hữu Đăng, một học sinh lớp 10 ở thôn Hạ, cho biết: “Dạo trước, cháu Đăng sau khi được điều trị ở trung tâm Y tế huyện Hương Thuỷ về nhà thì bị tái phát, mu bàn chân lở loét, viêm nặng không thể đến trường. Tui đưa cháu qua nhà bác Sang thì sau một tuần đắp thuốc chân cháu đỡ hẳn và đi học trở lại. Tui mới về sống ở Dương Hoà gần 20 năm nay thôi nhưng cũng nghe đã có nhiều người mắc bệnh rọm. Thực hư bệnh này như thế nào tui chưa rõ, chỉ biết là bác Sang đã chữa khỏi cho rất nhiều người”.
Bệnh rọm kì bí
Ông Sang giải thích theo kiến thức mình có được, thì bệnh rọm là bệnh nhiễm trùng, thường xuất hiện ở bàn tay, chân gây đau nhức, dẫn đến hoại tử nhưng điều trị kháng sinh thường không khỏi. Bệnh có triệu chứng giống với các loại ung nhọt có mủ xanh bên trong, nhưng nếu can thiệp bằng giải phẫu, hay chích nặn mủ bằng các vật kim loại, thường sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Có nhiều bệnh nhân, sau khi nằm viện điều trị kháng sinh không khỏi phải tháo khớp, cắt bớt ngón tay, ngón chân mà bệnh vẫn không hết, tiếp tục ăn vào cả vết mổ, gây trầm trọng hơn.
Theo người dân vùng núi, bệnh rọm do râu mép của con cọp (hổ) khi về già rụi tàn để lại một loại vi khuẩn ký sinh vào cây cối, khi người ta đụng phải nó thì gây nên bệnh rọm... Bệnh thường nhiễm qua bàn tay, chân, biểu hiện ban đầu là vừa nhức vừa ngứa, khi sưng lên thường xuất hiện vệt trắng nhỏ hình bầu dục có tia nhỏ chung quanh.
Ông Phan Từ Phong, năm nay 50 tuổi, ở thôn Hộ, là Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc xã Dương Hoà. Ông Phong từng mắc bệnh rọm và được ông Bùi Ngọc Sang chữa lành, kể: cách đây mấy năm, sau khi làm ruộng trở về nhà, bàn chân phải của ông bắt đầu đau nhức, sau đó chân càng sưng lên, phía má trong chân phải xuất hiện một chấm trắng hình hạt gạo. “Nghĩ là gai nên tui dùng cái kim băng hơ lửa để lấy nó ra, không ngờ sau đó chân tôi sưng to như mang ủng. Tui được cõng sang nhà bác Sang. Hai ngày sau khi bác Sang đắp thuốc thì chân đã ít nhức. Hơn hai tuần nằm điều trị ở nhà bác, tui tự đi về nhà mà không cần cõng”, ông Phong hào hứng nói.
Ông Sang cho biết có nhiều thứ dược liệu được sử dụng với cách bào chế khác nhau tuỳ theo tình trạng bệnh, nhưng có ba loại dược liệu không thể thiếu là cây thuốc rọm, phèn chua và lá chuối tiêu. Sau khi bào chế, miếng thuốc được đắp vào vùng nhiễm trùng của người bệnh, người nhẹ thì vài ba ngày lành, nặng thì phải gần ba tuần. Nguyên tắc là thuốc phải được đắp đều đặn đến khi nào hết đau nhức, liền da...
“Tui chỉ là nông dân, người ta đi chữa như răng thì tui không dám nói. Tui chỉ biết ông cha mình có phương thuốc truyền lại cho con cháu thì nên sử dụng giúp ích cho đời, mà hàng chục năm qua tui dùng cũng thấy hiệu nghiệm. Nếu xác định đó là rọm thì chữa, không phải thì khuyên đi bác sĩ chứ mình cũng chả tài giỏi chi!”, ông Sang nói, rất chân thành như tính cách người nông dân ở vùng quê ông vậy.
Lương y Lê Quý Ngưu, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết ông từng nghe nói đến bệnh rọm với lý giải của dân gian về “sợi râu cọp”. Tuy nhiên, theo ông bệnh rọm nhiều khả năng là do nhiễm trùng gây ra hoại tử, do vậy giới y học cần nghiên cứu kỹ căn bệnh này cũng như những thứ dược liệu, thuốc nam mà dân gian thường dùng điều trị. Riêng về “cây thuốc rọm” có trong rừng, kết quả tra cứu của lương y Ngưu cho thấy nhiều khả năng là cây hương lâu (còn gọi huệ rừng, cây bả chuột), tên khoa học là Dianella ensifolia. Cây có vị cay, tính ấm, có độc nhiều; có tác dụng khử phong, khử độc sát trùng, lợi niệu. Ở Trung Quốc và Malaysia, người ta dùng thân, rễ cây này để chế thành thuốc chữa mụn rộp mọc vòng, mụn nhọt, ghẻ ngứa... |
Gia Tân
Bình luận (0)