Bài toán lương tối thiểu ở Đông Nam Á

04/02/2018 10:34 GMT+7

Doanh nghiệp nước ngoài băn khoăn không biết chính phủ các nước trong khu vực có đưa ra những chính sách ưu đãi khác sau khi tăng lương tối thiểu hay không.

Các lãnh đạo tại một số nước Đông Nam Á đang nỗ lực thu hút lá phiếu của cử tri thông qua biện pháp nâng lương tối thiểu nhằm cải thiện đời sống người lao động, nhưng có nguy cơ khiến doanh nghiệp nước ngoài đóng cửa nhà máy, chuyển sang khu vực khác có nhân công rẻ hơn, theo tờ Nikkei Asian Review.
Lấy lòng cử tri
Tại Campuchia với dân số 16 triệu người, công nhân dệt may và gia đình họ đóng góp số lượng lớn phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7.2018. Thời gian gần đây, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố nâng lương tối thiểu và thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với tầng lớp lao động. “Tôi muốn gửi lời chúc mừng đến toàn thể công nhân trước thời điểm được tăng lương từ 153 USD (gần 3,5 triệu đồng) lên 170 USD (3,9 triệu đồng)/tháng”, ông Hun Sen phát biểu trong sự kiện với sự tham dự của 14.000 lao động từ 15 nhà máy ở thủ đô Phnom Penh hồi tháng 12.2017.
Nhắc đến những phúc lợi khác, bao gồm khám chữa bệnh miễn phí tại bệnh viện công, ông Hun Sen nhấn mạnh: “Tất cả công nhân sẽ được hưởng đầy đủ lợi ích khi tôi vẫn còn là thủ tướng”. Quyết định tăng 11% lương tối thiểu có hiệu lực kể từ ngày 1.1. Các chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động trước đó đã đồng ý nâng lương lên 165 USD/tháng, nhưng đích thân Thủ tướng yêu cầu tăng thêm 5 USD. Nâng lương tối thiểu là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm “làm hài lòng công nhân dệt may”, nhà phân tích kinh tế Chan Sophal ở Campuchia nhận định.
Trong khi đó, Malaysia chuẩn bị tăng lương tối thiểu trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8.2018. Chính phủ sắp tiến hành đánh giá chế độ tiền lương tối thiểu hằng tháng, hiện ở mức 1.000 ringgit (5,8 triệu đồng) tại bang thuộc diện bán đảo và 920 ringgit (5,3 triệu đồng) ở đảo. Thủ tướng Najib Razak tập trung vào nhóm cử tri thu nhập thấp trong những năm gần đây. Nhiều chương trình, bao gồm chế độ lương tối thiểu áp dụng kể từ năm 2014, đã được thiết kế nhằm nâng cao đời sống hộ gia đình có mức thu nhập thấp, dưới 3.000 ringgit (17,5 triệu đồng)/tháng (chiếm 40% dân số).
Theo báo cáo của Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU), lương tối thiểu tại một số nước Đông Nam Á tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Riêng tại Myanmar có đợt tăng lương tối thiểu cao nhất lịch sử nước này đến 33% trong năm 2018, từ 3.600 kyat (61.000 đồng) lên 4.800 kyat (82.000 đồng)/ngày, sau làn sóng biểu tình rầm rộ của công nhân.
Doanh nghiệp nước ngoài ngần ngại
Đợt tăng lương tối thiểu trong năm nay vượt mức lạm phát dự kiến tại Đông Nam Á. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 3,5% ở Campuchia, 3,9% ở Indonesia, 2,9% ở Malaysia và 6,1% ở Myanmar. Báo cáo mới đây của Hãng tư vấn quản trị Korn Ferry Hay Group dự đoán tỷ lệ tăng lương có kết hợp kiểm soát lạm phát là 2,8% ở châu Á trong năm 2018, đứng đầu so với những khu vực khác và gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu 1,5%.
Mặc dù nâng lương tối thiểu mang đến những lợi ích kinh tế tích cực, nhưng Đông Nam Á có thể đánh mất vị thế thu hút đầu tư nhờ nhân công giá rẻ. Giới chuyên gia cảnh báo các quốc gia đổ xô tăng lương ồ ạt mà không cải thiện chính sách, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh có nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng vì nhà đầu tư đóng cửa, chuyển nhà máy sang khu vực khác có giá nhân công thấp cùng điều kiện ưu đãi hơn, chẳng hạn Nam Á hoặc châu Phi.
Viễn cảnh này đang diễn ra tại Campuchia, theo nhà kinh tế học Manabu Fujimura thuộc Đại học Aoyama Gakuin (Nhật Bản). Trước đây, các công ty lĩnh vực dệt may và ngành công nghiệp nhẹ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đổ xô đến mở nhà máy tại Campuchia kể từ năm 2010 do chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài cùng chi phí nhân công chỉ dưới 100 USD/tháng. Tuy nhiên, chi phí nhân lực giờ đây tăng gần gấp đôi, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài không muốn đầu tư vào Campuchia.
Tổng giám gốc BTMU Yoshio Morishita cho hay một số tập đoàn lớn ứng phó với chính sách tăng lương tối thiểu bằng cách cắt giảm nhân sự, chuyển sang tự động hóa, chẳng hạn như các nhà máy ô tô ở Thái Lan và Indonesia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.