Hệ lụy kéo dài khi buông lỏng quản lý ngành công nghiệp văn hóa
Ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Báo chí) cho rằng Việt Nam có một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Tiềm năng sáng tạo và dư địa phát triển cho một thị trường báo chí và nội dung số của người Việt là vô cùng lớn và chúng ta có khá đủ các luật lệ để quản lý và thúc đẩy phát triển báo chí và thị trường nội dung giải trí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” |
“Vậy mà 80% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Facebook, Google, TikTok, với doanh số hàng năm xấp xỉ 1 tỉ USD tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam vẫn đang vất vả tìm xem có cách nào để tăng doanh thu từ nội dung số, trong khi vẫn thi nhau bán phá giá các gói nội dung video, truyền hình”, ông Lâm nói.
Đồng thời, ông Lâm nêu thực tế các công ty nội dung truyền hình và phim truyện xuyên biên giới thì cứ thoải mái khai thác thị trường Việt Nam mà chưa phải chịu bất cứ hình thức tiền kiểm nào về nội dung và về các điều kiện kinh doanh khác.
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh không công bằng này đang dần “giết chết” các doanh nghiệp trong nước, bởi vì vừa chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng, dẫn đến doanh thu sụt giảm, sức sáng tạo sụt giảm theo.
Cần bình đẳng giữa OTT trong và ngoài nước
Thị trường 100 triệu dân Việt Nam đang rơi vào tay các đơn vị nước ngoài. Điều này có phần nguyên nhân từ sự bất bình đẳng trong quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam và OTT (ứng dụng có truyền tải tin nhắn, cuộc gọi, truyền hình…) xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp OTT tư nhân hàng đầu tại Việt Nam như VieON, FPTPlay, Galaxy, ClipTV… phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đang tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc Cung cấp dịch vụ.
Ông Huỳnh Long Thủy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON cho rằng doanh nghiệp OTT Việt đang phải cạnh tranh bất bình đẳng trước các doanh nghiệp ngoại |
Phim phát sóng trên đài truyền hình phải có quyết định phát sóng; phim phát sóng trên rạp vẫn phải kiểm duyệt trước tại hội đồng thẩm định và được cấp giấy phép phổ biến phim.
Ngoài ra, nội dung phát trên các nền tảng OTT của doanh nghiệp Việt Nam nhập về đều phải đi qua con đường nhập khẩu văn hóa phẩm ủy thác của đài truyền hình, không được trực tiếp tự nhập khẩu phim; doanh nghiệp Việt phải thông qua quy trình xin phép phức tạp như thành lập kênh truyền hình, nội dung nhập khẩu, sản xuất, kiểm duyệt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt của các bộ, ngành liên quan…
Tuy nhiên, các OTT xuyên biên giới, họ hoàn toàn được buông lỏng và sản phẩm của họ không cần thông qua lớp lớp quy trình như trên mà trực tiếp đến với công chúng chỉ bằng một chiếc smartphone kết nối mạng.
Các OTT xuyên biên giới cũng tự do thu tiền thuê bao qua internet mà không hề đóng thuế; quảng bá các nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, khiêu dâm và thậm chí xuyên tạc lịch sử Việt Nam… nhưng không hề bị phạt.
“Một quốc gia không thể tồn tại 2 chính sách hoặc xu hướng bảo hộ cho các tập đoàn từ bên ngoài. Theo đó, nội dung sản phẩm văn hoá và tư tưởng nước ngoài thì được “hậu kiểm”, còn sản phẩm trong nước thì bị “tiền kiểm”, ông Thủy nói.
Kiến nghị thành lập BCĐ quốc gia về phát triển văn hóa trên mạng
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Sự áp đảo, tính ưu việt của các nền tảng xuyên biên giới là một thực tế. Nhưng nếu cứ tiếp tục coi đó như một trật tự thế giới mới, chúng ta sẽ vào trận với một tâm thế “chưa đánh đã thua, chưa chiến đấu đã đầu hàng”. Không lẽ chúng ta chấp nhận bỏ nhiều nghìn tỉ tới đây để đầu tư mạng 5G, để rồi phải tiếp tục chấp nhận bán băng thông phá giá, còn lợi ích to lớn lại tiếp tục chảy về Facebook hay YouTube hay TikTok?”.
“Chúng ta nghĩ sao khi một phần doanh thu của Facebook, Google đến từ việc chấp nhận quảng cáo cho tin giả, dịch vụ bất hợp pháp, để rồi họ dùng chính nguồn lực đó để chi trả cho những cá nhân, tổ chức đang phát tán nội dung xấu?”, ông Lâm nói.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo |
Nêu giải pháp cho tình trạng này, ông Huỳnh Long Thủy cho rằng cần phải thông qua các giải pháp về khung pháp lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, cách thức xử lý vi phạm trước khi đưa ra quyết định “tiền kiểm hay hậu kiểm”. Bởi nếu thông qua Luật điện ảnh sửa đổi theo định hướng hậu kiểm nội dung phim ảnh, không có giải pháp xử lý vi phạm công bằng và nghiêm khắc, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, thì đây thực chất là cách chúng ta hợp thức hóa cho những vi phạm pháp luật của các nền tảng xuyên biên giới nhưng lại đang chiếm thị phần áp đảo trên lãnh thổ Việt Nam.
Bình luận (0)