Bài viết này đã "chiếm sóng" trên mạng xã hội suốt hai ngày qua khi nhận được lượt tương tác khủng với gần160.000 lượt yêu thích, 42.000 chia sẻ và trên 116.000 bình luận… và tiếp tục tăng lên theo từng giờ.
Theo nhiều người trẻ, họ đã quá quen với việc nhận được những câu hỏi "bao giờ cưới vợ?", "khi nào lấy chồng?", "có người yêu chưa?"... từ gia đình, bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Thế nên khi vô tình thấy bài viết trên fanpage Thông tin Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi đã... giật mình và quyết định chia sẻ.
Phạm Thị Thu Khuê (29 tuổi), ngụ tại 76 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM. cho biết: "Mình rất hiếm khi đăng các bài viết trên Facebook nhưng đã "phá lệ", chia sẻ thông tin của fanpage Thông tin Chính phủ". Khuê giải thích: "Là để nhắc nhở bạn bè cũng như bản thân mình đừng nên tiếp tục trì hoãn việc kết hôn khi cũng đã cận kề tuổi 30".
Nguyễn Thị Mỹ Hoàng (28 tuổi), ngụ tại H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nói: "Suốt thời gian đã lo chú tập làm việc mà quên chuyện yêu đương hay nghĩ đến việc lập gia đình. Và bài viết trên fanpage Thông tin Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi khiến mình "phải nhớ chứ không được tiếp tục quên". Fanpage đã nhắc nhở rồi thì mình cũng sẵn sàng có chồng thôi". Hoàng cho biết có thể trong tương lai gần sẽ lên xe hoa, trở thành cô dâu, làm vợ...
Đặng Thanh Mẫn (34 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH thời trang S.B Sài Gòn, Q.7, TP.HCM, cho biết đã chia sẻ lại bài viết vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn lên tài khoản Facebook cá nhân và kêu gọi các nhân viên của công ty làm theo.
"Một số bạn sau khi được tôi "réo" tên đã cười và nói rằng sẽ làm theo, cố gắng tìm người yêu, kết hôn trước 30 tuổi", anh Mẫn nói.
Lê Thị Kim Cương (27 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết có tham gia một "hội độc thân" gồm 14 thành viên. "Hôm qua, mình đã gửi bài viết khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi vào nhóm chat. Ai nấy xem cũng... giật mình thon thót. Có người cho biết chắc... xúc tiến chuyện tình cảm trong thời gian đến. Có người nhờ bài viết đã nhận ra... độc thân đã quá lâu. Có người cũng nói phải thay đổi "hội độc thân" thành "hội bạn thân", khuyến khích mỗi thành viên nên tìm người yêu", Cương kể lại.
Cũng có những ý kiến cho rằng bài viết trên fanpage Thông tin Chính phủ đã thay lời muốn nói của không ít phụ huynh có con ở ngưỡng tuổi 30 mà chưa từng dẫn bạn gái, bạn trai về nhà ra mắt, hoặc hay khó chịu mỗi khi nhắc đến chuyện tình yêu...
Thách thức hàng đầu của nhân loại
Trong phần bình luận, fanpage Thông tin Chính phủ cũng lý giải nguyên cớ "ra đời" của bài viết "gây sốt" này là bắt nguồn từ Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10.11.
Theo thông tin từ fanpage Thông tin Chính phủ, ở hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, cho biết trên thế giới mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ 15 - 49 tuổi). Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn lao động và các vấn đề về già hóa dân số cũng như chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, gây ra vấn đề phát triển không bền vững về con người. Đây là thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Còn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tỷ suất sinh đã giảm mạnh trong 70 năm qua. Hàn Quốc hiện có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới với mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, trong khi Singapore và Nhật Bản lần lượt ở mức 1,1 và 1,3. Với thực tế ấy, dự kiến người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực này sẽ tăng gấp 3 lần từ nay đến năm 2050.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng chỉ ra, rằng mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế nhưng đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Hiện cả nước có 33 tỉnh, thành có mức sinh cao, 21 địa phương có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở các khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021 thì mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, có một số tỉnh, thành có mức sinh rất thấp là 1,48 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tại TP.HCM, có thời điểm mức sinh giảm xuống còn 1,2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho vùng mức sinh thấp là: tuyên truyền lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt; thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp…
Thứ trưởng Bộ Y tế đã gợi ý một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con…
Bình luận (0)