Lối vào đời
Ngày 14/2 vừa qua, trong một căn nhà trọ dành cho những trẻ đường phố (TĐP) trên đường Trần Bình Trọng (Q.5, TP Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Văn Tuyển - quản lý dự án "Trẻ lớn hội nhập" (thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP Hồ Chí Minh và với sự tài trợ của Tổ chức Terre des Hommes, Thụy Sĩ) đã triển khai, tập huấn dự án trên cho các sinh viên (SV) tình nguyện tham gia. Tất cả các SV tình nguyện này đều theo ngành xã hội học thuộc Trường ĐH dân lập Văn Hiến và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, các SV sẽ chủ động tiếp cận, tìm hiểu TĐP lớn (TĐP trong độ tuổi từ 16-18 tuổi phải rời các mái ấm, nhà mở để sống tự lập - PV), trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng TĐP loại 1 (trẻ không có gia đình, người thân) và có các nhu cầu chính đáng thực sự phù hợp với mục tiêu của dự án, đó là: giúp TĐP có điều kiện học nghề, hội nhập và ổn định cuộc sống.
Tiếp đó, các SV tình nguyện sẽ giới thiệu việc làm; theo dõi, giám sát, động viên TĐP trong suốt thời gian TĐP học việc... Dự kiến công việc của các SV trong dự án trên sẽ kéo dài khoảng 6 tháng, tính từ ngày 14/2/2004.
Trên thực tế, dự án "Trẻ lớn hội nhập" đã được tiến hành từ tháng 6/2001. Đến nay, đã có hơn 100 TĐP được đào tạo nghề và giải quyết việc làm dưới sự hỗ trợ của dự án. Tuy nhiên, để mở rộng thêm đối tượng tham gia, những người quản lý dự án đã mời gọi những SV năng động, nhiệt tình và ưa thích công việc xã hội, giao quyền chủ động cho các SV tình nguyện trên.
Những ngày đầu "ra trận"
Đang canh cánh trong lòng hai nỗi lo: vừa tìm kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống, vừa phải chu toàn việc học hành, thế nhưng khi nghe tin có một dự án triển khai giúp TĐP hội nhập cuộc sống, bạn Bảo Huyên - SV khoa Xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện đăng ký tham gia.
Ban đầu, do biết tin khá trễ nên Bảo Huyên không được nhận. Cô SV này đã đến gặp trực tiếp người quản lý dự án và trước sự quyết tâm của cô, người phụ trách đã gật đầu. "Ra trận" thực hiện dự án được mấy ngày, bạn Hoàng Văn Sắc (SV ĐH Văn Hiến) "khoe" rằng mình đã tiếp cận được một số TĐP là con em của những người từ ngoài Bắc vào sống ở khu vực cầu Bình Lợi (Q.Thủ Đức) chuyên kiếm sống bằng nghề bán keo dính chuột.
Các sinh viên tình nguyện và nhân viên xã hội trao đổi kinh nghiệm tiếp cận trẻ đường phố. (Ảnh: N.L) |
Theo Sắc, đa số các em đều thích được học nghề. Sắc bảo rằng bản thân chưa có kinh nghiệm và phương pháp tìm hiểu TĐP nên cũng khá lúng túng, nhất là trước những cặp mắt dò xét không mấy thiện cảm của người lớn ở khu vực trên.
Đối với trường hợp TĐP tên Trung do các giáo dục viên chuyển giao, Sắc cho biết mình đã tìm hiểu tâm tư và biết rằng Trung thích học nghề cắt tóc. Bạn đã tìm được một "mối quen" định giới thiệu Trung vào học, nhưng tiệm này yêu cầu là phải đóng học phí cho Trung khoảng 1 triệu đồng cho khóa học dài 4 - 5 tháng... Trong khi đó, bạn Phạm Thị Phương Loan (SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) nhờ giáo dục viên hiến kế giúp bạn chọn thời điểm nào thích hợp nhất để trò chuyện, tìm hiểu một TĐP tên Tú, vì em này bận bịu suốt...
Có thể phải cần ít nhất 3 tháng nữa mới có thể đánh giá dự án triển khai cho các SV tình nguyện có thành công hay không, nhưng các SV tình nguyện đều tỏ rõ quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng.
Như Lịch
Bình luận (0)