Bạn biết gì về trắc nghiệm khách quan ?

23/09/2005 22:18 GMT+7

Chính thức bắt đầu bằng môn ngoại ngữ Bằng văn bản do Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (KT-KĐCLGD) ký ngày 4/1/2005 gửi các sở GD-ĐT, các trường ĐH, học viện, CĐ trên toàn quốc về việc hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) năm 2005, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm học 2004-2005 bằng hình thức TNKQ cho môn ngoại ngữ.

Hành trình trắc nghiệm khách quan

Kèm văn bản trên là các hướng dẫn cụ thể của Cục KT-KĐCLGD về đề thi, bài làm, công tác coi thi, chấm thi... Giáo viên, thí sinh và phụ huynh đều trong tư thế sẵn sàng nhưng đúng một tháng sau, đầu tháng 2/2005, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại chính thức thông báo quyết định hoãn việc này. Lý do chủ yếu được ngầm hiểu là chuẩn bị chưa kịp về mặt nghiệp vụ lẫn tạo dư luận đồng tình.

Gần 8 tháng sau, chiều 22/9/2005, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã ký văn bản hướng dẫn tổ chức hình thức thi TNKQ, áp dụng từ mùa thi năm 2006. Lần này văn bản hướng dẫn cũng có nhiều điều giống hướng dẫn cũ nhưng tiến độ thực hiện được ghi nhận là "khả thi". Mọi người chờ đợi vì nếu môn ngoại ngữ không "khai thông" thì thật khó để các môn khác cùng "nhập cuộc" cho hình thức thi mà các nước tiên tiến đều đã áp dụng từ lâu và ở nhiều đơn vị như ĐH Đà Lạt, ĐH Quốc gia TP.HCM việc này đã được "tập dượt" từ rất sớm.

Những thông tin mới nhất

Theo hướng dẫn mới công bố, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 6/2006) và tuyển sinh ĐH-CĐ (tháng 7/2006), các đề thi ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung) được ra hoàn toàn dưới hình thức TNKQ. Mỗi đề thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến có khoảng 50 câu (làm bài trong 45 phút), đề thi ĐH-CĐ dự kiến có khoảng từ 70 - 100 câu (làm bài trong 90 phút). Loại câu trắc nghiệm dùng trong các đề thi ngoại ngữ là câu trắc nghiệm nhiều hình thức lựa chọn (đều có 4 lựa chọn: A, B, C, D), đề do Bộ GD - ĐT tổ chức biên soạn, được in sẵn và có nhiều phiên bản, do máy tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D. Các thí sinh ngồi cạnh nhau có đề thi giống nhau về nội dung nhưng không giống nhau về thứ tự các câu hỏi.

Một số chi tiết về phát đề, thu bài sẽ được quy định riêng đối với thi trắc nghiệm. Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được giữ trong túi niêm phong từ hội đồng thi và chuyển về những trung tâm chấm thi do Bộ GD-ĐT tổ chức, việc chấm thi trắc nghiệm được thực hiện trên máy quét chuyên dụng với phần mềm chấm thi. Quy định cách ly, giám sát, bảo mật trong khâu chấm thi trắc nghiệm được thực hiện như đối với thi tự luận theo quy chế hiện hành.

Thí sinh làm bài trên "Phiếu trả lời trắc nghiệm" được in sẵn. Cục KT-KĐCLGD thuộc Bộ GD-ĐT sẽ liên hệ với các sở GD-ĐT và các trường (có thi khối D) để thống nhất việc in phiếu trả lời trắc nghiệm cho các đơn vị tổ chức thi. Trong tháng 10/2005, Cục KT-KĐCLGD sẽ gửi tài liệu đến các sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng (khối D) để hướng dẫn thí sinh và giáo viên về thi trắc nghiệm. Việc tập huấn cho cán bộ in sao đề thi, coi thi và chấm thi trắc nghiệm sẽ được tiến hành từ tháng 12/2005. Trong tháng 11/2005, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thí điểm thi ở một số vùng, miền để đến tháng 1/2006 tổ chức thi thử cho học sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc. Kết quả chấm thi được gửi về các hội đồng thi và tuyển sinh các sở và các trường ĐH nơi thí sinh dự thi.

Nhựt Quang

Ông Nguyễn Hoài Chương, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM:
Thi trắc nghiệm ngoại ngữ không còn xa lạ

Đối với ngành giáo dục TP.HCM thì việc thi trắc nghiệm ngoại ngữ không còn là vấn đề xa lạ. Xuất phát từ thực tế giảng dạy cũng như bản chất của môn học này, từ 3 năm trở lại đây, trong các kỳ kiểm tra môn ngoại ngữ chúng tôi đã có lồng ghép hình thức trắc nghiệm (khoảng 30% nội dung đề thi) để kiểm tra kiến thức học sinh. Hiện thành phố đã có sẵn ngân hàng câu hỏi, Sở sẽ tập hợp và có một hội đồng chuyên môn thẩm định nội dung. Hiện tại chúng tôi chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ xem có khác với cách làm của mình trước đây không rồi sẽ làm văn bản cụ thể gửi xuống các trường.

Theo đánh giá của tôi thì hình thức thi trắc nghiệm có hiệu quả vì hạn chế tình trạng học tủ, giúp học sinh nắm vững kiến thức chương trình  học trong nhà trường. Ở đề kiểm tra tự luận, chúng ta khó có thể ra được đề thi bao quát toàn bộ chương trình nhưng đối với đề thi trắc nghiệm thì điều đó lại rất đơn giản. Khi tiến hành thi trắc nghiệm giáo viên sẽ kiểm tra học sinh được nhiều vấn đề, bên cạnh đó lại giảm áp lực cho công việc chấm bài thi...

Bích Thanh (ghi)

Nhiều học sinh chưa biết cách làm bài trắc nghiệm !

Khá nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh vừa qua không biết cách làm phần trắc nghiệm khách quan. Nếu đề cho A, B, C, D thì thí sinh chỉ chọn một thôi, nếu không biết phần nào đúng và chọn "cầu may" thì cũng chọn một mà thôi, nhiều thí sinh chọn hai ba phần A, C hay A, B, C chẳng hạn. Có thí sinh thì ghi A nhưng kèm với nội dung B. Chẳng hạn câu 1 phần I: C. comprehend và D. institute, có thí sinh trả lời C. institute!

Nhân đây chúng tôi cũng đề cập đến một chi tiết cần rút kinh nghiệm trong việc in đề của Cục Khảo thí. Trong phần trả lời câu hỏi và viết lại câu (các phần V, VI, VII, VIII của đề thi tuyển sinh), mỗi câu hỏi và câu gợi ý chỉ có một hàng chữ vì là chữ in vi tính, nhưng khi thí sinh trả lời hay viết lại thì chữ của thí sinh phải chiếm 2, 3 hay 4 hàng. Do đó khi đề chỉ chừa có một hàng cho thí sinh viết thì bắt buộc thí sinh phải viết lí nhí, chen chúc rất khó khăn và giám khảo cũng phải nhức đầu lắm mới đọc nổi một câu. Điều này sẽ không còn nữa nếu chúng ta tổ chức thi trắc nghiệm.

Lê Quang Vinh (giảng viên ĐH  môn Tiếng Anh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.