Ở TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương có lễ hội rước kiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu tuần du vào lúc 15 giờ ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa miếu và chùa, giữa 'Bà' và Phật cần được nói rõ.
Bán hàng rong trước chùa Bà Bình Dương |
Miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là thờ theo tín ngưỡng của người Hoa. Ở đâu có người Hoa, ở đó có miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Thế nên trong miếu này, người ta có thể cúng heo quay, đồ mặn và đốt vàng mã. Dân gian quen gọi ngắn gọn là chùa Bà.
Ở chùa thì thờ Phật, không cúng đồ mặn và nhất là các quý thầy không cho phật tử, bá tánh đốt vàng mã. Các chùa khu vực chợ Thủ Dầu Một như Hội Khánh, Phổ Thiện Hòa, Phật Học… không có cảnh đốt vàng mã hay đốt nhang quá nhiều.
Phát bánh mì miễn phí cho bà con đi chùa Bà Bình Dương
Mùa lễ hội năm nay, du khách tiếp tục cảm thấy hài lòng khi có rất nhiều điểm phục vụ nước uống, bánh mì, vá xe miễn phí tại các tuyến đường trung tâm xung quanh khu vực chùa Bà (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Sáng sớm ngày rằm tháng giêng năm nay (22.2), nhóm từ thiện của anh Bùi Thanh Hoàng đã phát hàng trăm ổ bánh mì cho bà con đi chùa Bà Bình Dương. Điểm phát bánh mì của anh ngay trước Nhà việc Phú Cường (UBND phường Phú Cường trước đây). Ông Nguyễn Đình Trí (ngụ ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết năm nay đi chùa không lo đói khát hay bị chặt chém nữa bởi có những điểm phát thức ăn, nước uống miễn phí như thế này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dịch vụ “ăn theo” và làm phiền khách hành hương nếu không nói là một sự lừa dối thật phản cảm.
Lò đốt vàng mã luôn rực lửa trong ngày chính lễ
|
Theo học giả Vương Hồng Sển, Thiên Hậu Thánh Mẫu có tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, thuộc Bồ Dương, Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Mẹ của bà phải mang thai 14 tháng mới hạ sinh bà. Một lần, cha bà tên Lâm Nguyện ngồi thuyền cùng hai người con trai (anh của bà), chở muối đi bán ở tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn. Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ và trong lúc ngủ đã xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ gọi bà thức giấc, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu".
Đọc lại truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu, không thấy nói “Bà” thích ăn trầu, nhưng mùa lễ hội nào người ta cũng bày bán trầu cau để cúng Bà. Có 2 thuyết khác nhau về năm mất của bà, thuyết đầu cho rằng bà mất khi 28 tuổi, lúc bà lên núi và bay về trời. Thuyết khác cho biết bà mất năm 16 tuổi khi bơi ra biển để tìm cha. Bà mất khi quá trẻ như thế thì có… thích ăn trầu và tục ăn trầu của người Việt hay người Hoa mà mọi người phải chen chân nhau mua cau trầu để cúng?
Cau cảnh cũng được đem bán để cúng Bà
|
Ghi nhận mùa lễ hội năm nay, chúng tôi thấy tại một điểm bán trầu cau cúng Bà, người ta bán luôn cả cau cảnh. Những trái cau màu trắng, nhỏ xíu gói trong các lá trầu và quẹt thêm chút xíu vôi được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng. Lò hóa vàng mã vẫn có cảnh đốt vô tội vạ dù trời nắng gắt. Nhiều người không kịp bỏ bao nilon đựng hàng mã bên trong mà quăng luôn vào lò đốt một cách vội vàng, chẳng kịp chờ Bà… chứng độ. Nạn ăn xin đã giảm nhưng đội quân bán vé số vẫn chèo kéo khách và vẫn còn những người bán chim phóng sinh mà khi được “phóng”, chim lảo đảo hết muốn bay…
Vẫn còn nhiều hạt sạn cần được nhặt bỏ, may ra sẽ có một mùa lễ hội trật tự, an toàn và mang đậm nét văn hóa hơn.
Bình luận (0)