Bảo hiểm thất nghiệp: Chỗ dựa của người lao động mất việc làm

18/05/2018 07:30 GMT+7

Rõ ràng từ thực tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động, khi giúp họ có một khoản tiền trong thời gian thất nghiệp. Từ khoản tiền này, nhiều lao động đã có cơ hội vươn lên trong cuộc sống…

Ưu thế của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Chị N.T.T.T (28 tuổi, ngụ tại Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Cuối năm 2017, chị mất việc do công ty phá sản, đóng cửa. Với độ tuổi 28 cùng với tay nghề không cao, nên chị khó khăn trong giai đoạn tìm công việc mới. Nhưng với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng đã giúp chị ổn định chi tiêu trong cuộc sống. Và trong giai đoạn đi tìm việc, chị đã đi phụ việc nhà theo giờ ở 1-2 nhà người quen. Khi hết thời gian thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị T. cũng đã tìm được công việc phù hợp với mình, đó là phụ việc nhà theo giờ của 5-7 hộ gia đình, giúp cho chị có một mức thu nhập ổn định hơn cả công việc cũ trước đó. “Nếu không có BHTN thì tôi cũng không đủ thời gian để xoay sở, tìm cho mình công việc phù hợp với bản thân mà có thu nhập cao đến vậy”, chị T. hài lòng nói.
Chính vì ưu thế đó của BHTN, nên người lao động khi tham gia vào thị trường lao động, luôn quan tâm đến việc doanh nghiệp đóng BHTN cho bản thân như thế nào. Từ khi triển khai chính sách BHTN đến nay, số đơn vị và số người tham gia BHTN luôn tăng, số người thụ hưởng cũng tăng qua từng năm. Điều đó cho thấy, chính sách này thật sự là chỗ dựa cho người lao động trong thời gian bị thất nghiệp. Điều đáng mừng là, đến nay chính sách BHTN đã được đông đảo doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng tích cực, giúp cho việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn. Theo ông Lê Anh Nhân, Phó giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng, tại Đà Nẵng hiện có 7.245 đơn vị với 218.323 người lao động tham gia BHTN, chiếm 98,16 % số đơn vị và 96,85% số lao động tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Vẫn còn những doanh nghiệp thiếu tôn trọng quyền lợi của người lao động
Tuy vậy, qua thực hiện chính sách BHTN vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, nhiều người sử dụng lao động, người lao động chưa hiểu rõ về chính sách BHTN, nên chưa thực hiện đúng quy định, dẫn đến thiệt thòi khi chẳng may mất việc làm. Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa được khắc phục triệt để. Nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn trong thời gian dài dẫn đến việc xác nhận sổ (chốt sổ) BHXH chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Việc phối hợp giữa các ngành hữu quan trong việc giải quyết, quản lý người hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đồng bộ...
Ngoài trợ cấp thất nghiệp, theo Luật Việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Mức đóng BHTN hiện nay là: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); Đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; Đang trong tình trạng thất nghiệp, không có việc làm và đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.