Cần sớm xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ

07/12/2020 11:48 GMT+7

Đề xuất TP.Đà Nẵng sớm xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cầu Đỏ là một trong những nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh, thành Quảng Nam - Đà Nẵng.

Chiều 30.11 vừa qua, tại TP.Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cùng làm việc đánh giá kết quả 2 năm thực hiện liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội hai địa phương.
Đây cũng là dịp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án lớn, trong đó có Làng ĐH Đà Nẵng, dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò, tồn tại 3 đập ngăn mặn chưa được phá dỡ do chưa giải quyết được quá trình xâm nhập mặn nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) cùng 227 ha đất sản xuất nông nghiệp tại Quảng Nam.
Cuộc họp thống nhất nội dung 2 tỉnh, thành sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành bổ sung nguồn vốn trung hạn triển khai Làng ĐH Đà Nẵng; tiếp tục phối hợp nạo vét khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch, văn hóa xã hội và đô thị; phối hợp giải quyết vấn đề nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ khi tháo dỡ đập Hà My trên sông Cổ Cò ở Quảng Nam; đề xuất Đà Nẵng cần sớm xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cầu Đỏ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Vu Gia.

Nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng

Theo Quy hoạch cấp nước TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tổng nhu cầu cấp nước đô thị và nông thôn đến 2020 là 462.000m³/ngày và đến 2030 là 832.000m³/ngày.
Hiện hệ thống cấp nước TP.Đà Nẵng do Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) quản lý có tổng công suất thiết kế 280.000m³/ngày, tỷ lệ cấp nước sạch là 95,26% dân số toàn thành phố, tiêu chuẩn cấp nước bình quân 136 lít/người/ngày. Khoảng 97,83% dân số nội thành và 76,81% dân số khu vực ngoại thành được cấp nước sạch (chưa tính người dân sử dụng nước theo chương trình nước sạch nông thôn).
Thực tế, vào những ngày cao điểm, các nhà máy nước của Dawaco phải hoạt động vượt tải và có thời điểm tổng công suất cấp nước đạt mức 320.000m³/ngày. Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước sân bay khai thác nguồn nước thô sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ (tổng công suất thiết kế đến năm 2021 là 320.000m³/ngày) là nguồn cung cấp nước thô chính cho thành phố.
Hiện nay, việc khai thác nước thô tại Cầu Đỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng bởi hoạt động của các nhà máy thủy điện ở thượng lưu dẫn đến lưu lượng nguồn nước này bị sụt giảm.
Tình trạng nhiễm mặn thường xuyên xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng tăng. Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, trung bình số ngày nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn là 81 ngày, đặc biệt năm 2019 số ngày nhiễm mặn là 212 ngày, chiếm đến gần 60% tổng số ngày trong năm và tổng chi phí vận hành gần 12 tỉ đồng. Năm 2020 có 110 ngày nhiễm mặn, tổng chi phí vận hành gần 7 tỉ đồng.
Chất lượng nước mặt sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ vẫn đảm bảo chuẩn A theo QCVN 08:2008/BTNMT, tuy nhiên cần công trình ngăn mặn để đảm bảo nguồn nước

Chất lượng nước mặt sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ vẫn đảm bảo chuẩn A theo QCVN 08:2008/BTNMT, tuy nhiên cần công trình ngăn mặn để đảm bảo nguồn nước

Như vậy, để đảm bảo công suất cấp nước 560.000m³/ngày (tương ứng 616.000m³ nước thô/ngày) theo quy hoạch cấp nước TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045, cần có giải pháp công trình phù hợp để đảm bảo nguồn cấp nước thô an toàn và bền vững cho thành phố.
Trong đó, công trình ngăn mặn vĩnh cửu tại Đà Nẵng do Dawaco thực hiện được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên và đảm bảo giải pháp về nguồn nước thô phục vụ các nhà máy cấp nước trên địa bàn.
Giải pháp này nhằm giải quyết thực trạng nhiễm mặn đáng báo động tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ liên tiếp những năm qua, gây thiếu hụt trầm trọng nguồn nước ngọt sinh hoạt, sản xuất cho người dân Đà Nẵng.
Đây là vấn đề nhức nhối mà trong nhiều lần làm việc với các tỉnh, thành miền Trung, Chính phủ cũng đã chỉ đạo lưu ý công tác đảm bảo an ninh nguồn nước đối với các đô thị, vùng dân cư lớn ở hạ lưu các sông miền Trung.
Do đó, Dawaco cho rằng đập ngăn mặn là công trình bức thiết trong quy hoạch chung TP.Đà Nẵng.
Dawaco đã cùng đơn vị tư vấn nghiên cứu nhiều giải pháp và phương án công trình nhằm giải quyết vấn đề nhiễm mặn trên. UBND TP.Đà Nẵng đã giao các sở ban ngành liên quan góp ý. Ngày 23.7.2019, Sở Xây dựng đã có văn bản số 5610/SXD-HTKT về giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Cầu Đỏ. Để phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện theo chỉ đạo của Sở Xây dựng, sau khi nghiên cứu xem xét, Dawaco cùng với đơn vị tư vấn đề xuất phương án đảm bảo nguồn cấp nước thô các nhà máy nước đến năm 2020 là 352.000m³/ngày (tương đương 4,07m³/s) và đến năm 2030 là 560.000 x 1,1 = 616.000m³/ngày (tương đương 7,13m³/s). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.