Cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị cơ xương khớp

12/12/2019 08:00 GMT+7

Thoái hóa khớp là một vấn đề được quan tâm sâu sắc của ngành y hiện nay do tính phổ biến và hậu quả của bệnh đối với bệnh nhân, xã hội và nền kinh tế.

Riêng tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Y tế thế giới công bố vào năm 2017, khoảng 23,3% dân số nước ta trên 40% tuổi mắc các bệnh liên quan đến cơ xương khớp.

Chữa thoái hóa khớp không cần phẫu thuật

Tuy không quá nguy hiểm nhưng cơn đau do thoái hóa khớp gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh thậm chí có nguy cơ tàn tật.
Chị Võ Thị Minh N. (52 tuổi, Đà Nẵng) mắc bệnh thoái hóa khớp gối đã nhiều năm nay. “Mỗi đợt chuyển mùa, đầu gối mình nhức mỏi, nhiều khi không nhấc nổi chân lên cầu thang”, chị N. chia sẻ. Cứ mỗi lần như vậy, chị lại đến phòng khám cơ xương khớp gần nhà, bốc thuốc đông y về uống và kết hợp thêm vật lý trị liệu. “Mặc dù có thuyên giảm, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Mình vẫn phải thường xuyên đi khám và lấy thuốc khi tái phát”, chị N. nói thêm.
Cuối năm ngoái, chị biết đến phương pháp điều trị thoái hóa khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP - Platelet Rich Plasma). Chị đã tìm đến Bệnh viện Gia Đình để khám và tư vấn. Được biết phương pháp PRP có tác dụng điều trị lâu dài, có thể dứt điểm tình trạng thoái hóa khớp gối “kinh niên” mà không cần phẫu thuật, chị quyết định thực hiện liệu trình điều trị.
Liệu trình của chị gồm 3 lần tiêm, mỗi lần tiêm cách nhau 3-4 tuần, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 2 lần tiêm đầu tiên, chị đã thấy có sự chuyển biến đáng kể “Đầu gối mình giảm nhức mỏi hẳn!”.
Khoảng 1 tháng sau khi hoàn tất lần tiêm thứ 3, chị N. cho hay: “Chị không còn cảm thấy khó chịu trong sinh hoạt, hoặc vận động mỗi khi trái gió trở trời nữa. Bác sĩ bảo với chị chỉ cần tái khám sau 1 năm để đánh giá lại là ổn”.

Phương pháp tối ưu điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp

So với các phương pháp điều trị truyền thống như sử dụng thuốc, phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở), liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP - Platelet Rich Plasma) đã mở ra một hướng mới để điều trị thoái khớp: điều trị bảo tồn.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy khoảng 20-50ml máu từ chính người bệnh, sau đó tiến hành ly tâm để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu, thu về lượng huyết tương có nồng độ tiểu cầu gấp 4-8 lần so với huyết tương bình thường. Tiểu cầu sau khi đã được hoạt hóa sẽ được sử dụng để tiêm trực tiếp vào vùng cần điều trị của khách hàng.
Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ tiêm PRP tự thân vào khớp gối thoái hóa - với đích tác động là cải thiện, tăng sinh tế bào sụn khớp, giảm đau, cải thiện chức năng khớp gối, trong khi hầu như không có biến chứng đáng kể. Trên thực tế áp dụng phương pháp này tại Bệnh viện ĐK Gia Đình (Đà Nẵng) từ tháng 11.2018 đến nay (12 tháng), chưa phát hiện trường hợp biến chứng nào xảy ra.

Ứng dụng của phương pháp PRP

Liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được chỉ định điều trị cho những trường hợp, khi mà việc uống thuốc hay tiêm thuốc không thể giúp lành bệnh như: Thoái hóa khớp gối, Viêm gót chân, Viêm cân gót chân, Viêm gân bánh chè khớp gối, Viêm quanh khớp vai, khớp khuỷu…
PRP có nhiều ưu điểm vượt trội như an toàn (do sử dụng máu được lấy từ cơ thể người bệnh), chấm dứt cơn đau nhanh, quá trình điều trị nhẹ nhàng, chi phí hợp lý. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định điều trị bằng phương pháp này. Tiêu biểu như: Hội chứng rối loạn chức năng tiểu cầu; Giảm tiều cầu trong máu; Máu không đông; Nhiễm trùng huyết…
Do vậy, bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, đánh giá và tư vấn trước khi quyết định điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.