Chăm sóc người có công ở Đức Trọng

29/07/2019 09:20 GMT+7

Những năm qua, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) luôn chú trọng đến công tác chăm sóc người có công trên địa bàn, thể hiện sự tri ân sâu sắc với những cống hiến của các thế hệ cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, chăm sóc người có công là nghĩa cử thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây ” của người Việt Nam; đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm cao đẹp, sự tri ân đối những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Với mục tiêu giúp cho các gia đình chính sách có mức sống không thấp hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn, không có đối tượng chính sách là hộ nghèo, công tác này luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn H.Đức Trọng thực hiện có hiệu quả trong những năm vừa qua.
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và xã hội triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng; chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: tổ chức lễ kỷ niệm, thăm hỏi tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ 27.7 hàng năm, các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền của dân tộc; tổ chức tốt việc điều dưỡng cho người có công hàng năm, phát động phong trào phụng dưỡng chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện, nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ xã Hiệp Thạnh….
Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội Đức Trọng, cho biết tổng số đối tượng chính sách đang quản lý hiện trên địa bàn huyện là 4.339 người; trong đó: lão thành cách mạng 13 người (có 1 còn sống); người hoạt động cách mạng từ 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa 19.8.1945 là 13 người (từ trần 13 người); Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được phong tặng, truy tặng: 50 người (có 1 mẹ còn sống); Anh hùng lực lượng vũ trang: 3 người (có 2 người còn sống); thương binh 463 người (có 327 người còn sống); bệnh binh 123 người (có 108 người còn sống); liệt sỹ 693 (có 187 thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng); người bị nhiễm chất độc hóa học 185 người (có 173 người còn sống); có công với cách mạng là 146 người (có 99 người còn sống); người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 122 (có 76 người còn sống) và 2.530 trường hợp tham gia kháng chiến hưởng trợ cấp một lần.
Trong năm 2018 tổng số kinh phí chi trả tiền trợ cấp cho đối tượng chính sách là 17,5 tỉ đồng; hỗ trợ xây mới 2 ngôi nhà và sửa chữa 3 ngôi nhà từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện với số tiền 175 triệu đồng; kinh phí đưa người có công đi điều dưỡng tập trung tại Nha Trang là 104 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng số kinh phí chi trả tiền trợ cấp cho đối tượng chính sách là 11 tỉ đồng; hỗ trợ xây mới 1 ngôi nhà, sửa chữa 2 ngôi nhà từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện với số tiền 100 triệu đồng; kinh phí đưa người có công đi điều dưỡng tại Nha Trang là 107 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Thanh Thúy cho biết thêm, thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công trên địa bàn, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với những người có công với cách mạng; quan tâm nắm bắt nguyện vọng, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của các đối tượng và thân nhân người có công; quan tâm đến đời sống của người có công, không để họ vì điều kiện khó khăn, bệnh tật mà trở thành hộ nghèo. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền, để công tác chăm sóc người có công với cách mạng trở thành việc làm tự nguyện, thường xuyên không chỉ của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.