Ngày 13.1, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (64 tuổi, trú tại Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) nhập viện tại Bệnh viện Gia Đình trong tình trạng liệt mặt, liệt nửa người phải và nói khó. Sau khi các bác sĩ thuộc Đơn vị Cấp cứu (Bệnh viện Gia Đình) thực hiện khám lâm sàng và chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ thứ 3, Nhóm Cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện đã được khởi động ngay lập tức. Ngay khi có đầy đủ các xét nghiệm, CT sọ não, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đưa ra quyết định sử dụng phương pháp điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch bằng rt-PA ngay tại Đơn vị Cấp cứu, để tránh bỏ lỡ mất khung thời gian vàng của bệnh nhân.
Trước đó, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử u trực tràng và thường xuyên dùng thuốc tại nhà. Vào khoảng 8 giờ 30 sáng cùng ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện các triệu chứng trên nên người nhà đưa đến viện.
|
Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Sau 6 giờ theo dõi, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bắt đầu nói rõ và nghe tốt, nửa người bên phải chỉ còn yếu nhẹ.
Đến ngày 16.1, bệnh nhân đã hồi phục 80-90%, tỉnh táo hoàn toàn, tình trạng liệt nửa người bên trái được cải thiện rõ rệt, tay chân cử động tốt, các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…) ổn định. Bác sĩ cũng đã tiến hành chụp lại sọ não và không thấy biến chứng xuất huyết não.
Sau đó, bà Nguyễn Thị T. đã hồi phục sức khỏe, cử động tay chân dễ dàng, có thể đi lại, nói chuyện bình thường và được cho phép xuất viện vào ngày 17.1.
Tiêm thuốc tiêu sợi huyết là một kỹ thuật đã được Bệnh viện Gia Đình triển khai từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não được tiếp cận và điều trị bằng phương pháp này chưa cao. Nguyên nhân chính là do rt-PA chỉ áp dụng cho người bệnh bị nhồi máu não đến sớm trước 3 - 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Trong khi đó, theo tâm lý của đại đa số người Việt, sau khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ, người nhà bệnh nhân thường tự ý dùng thuốc hay dùng các biện pháp dân gian thay vì đến các cơ sở y tế, hậu quả là vô tình bỏ lỡ khung giờ vàng vô cùng quý giá để điều trị đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Nhờ làm chủ kỹ thuật tiêu sợi huyết và phối hợp triển khai cùng nhiều phương pháp chuyên sâu khác, Bệnh viện Gia Đình đã mở ra hy vọng cho những nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận không may bị tai biến mạch máu não vẫn có thể phục hồi hoàn toàn mà không phải chuyển lên tuyến trên.
|
Bình luận (0)