Theo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, thời gian qua TP đã ưu tiên triển khai quy hoạch các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển NNCNC theo nghị quyết (NQ) 104 ngày 7.7.2017 của HĐND TP. Đến nay, TP đã có 3 vùng NNCNC được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang xúc tiến các thủ tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư và tiếp tục quy hoạch, mở rộng phát triển các vùng, khu NNCNC gắn với quy hoạch chung của TP.
Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT, có một số khó khăn như quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp giảm, hạn chế về quỹ đất để quy hoạch phát triển vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Sản xuất nông nghiệp cũng thường xuyên bị rủi ro, chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu và dịch hại nên hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Việc đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng gặp khó.
Thêm chính sách để hỗ trợ toàn diện
Theo Sở NN-PTNT, để đảm bảo đạt mục tiêu của đại hội Đảng bộ TP lần thứ 22, nhiệm vụ cho giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện chương trình số 42 ngày 5.2.2020 triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp Đà Nẵng trở thành nông nghiệp đô thị, hiện đại, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, hữu cơ, sinh thái… và đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, TP tập trung rà soát, khớp nối quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, khu NNCNC vào quy hoạch chung để đảm bảo đồng bộ quy hoạch, tạo tiền đề thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Trước mắt, TP hoàn thành đưa vào hoạt động 3 vùng, khu NNCNC tại Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú nhằm huy động, phát triển DN nông nghiệp ứng dụng CNC, làm hạt nhân trong phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh…
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay Sở đã tham mưu để trình HĐND TP ban hành nghị quyết theo hướng đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp toàn diện. Trong đó, ngoài rà soát chính sách hỗ trợ sản xuất NNCNC thì đề xuất bổ sung các chính sách nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”… Nghị quyết này dự kiến trình tại kỳ họp cuối năm 2020. Nếu được thông qua, các DN sẽ thụ hưởng 5 nhóm hỗ trợ: lãi suất vay thương mại (đối với DN đầu tư vào nông nghiệp); hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phát triển NNCNC, nông nghiệp tập trung, chuyên canh gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thành quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Nhiều bước tiến đáng kể về ứng dụng CNC tại Đà Nẵng, với 16 mô hình ứng dụng CNC trên lĩnh vực rau, hoa, nấm (10,5 ha rau, 2,5 ha hoa tại vùng chuyên canh đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính...). Một số DN, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cũng hình thành, trở thành điển hình, động lực trong sản xuất NNCNC gắn với liên kết chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn (Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm, HTX rau an toàn Túy Loan...). Đồng thời, đã hình thành một số cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại và công nghiệp, ứng dụng CNC theo hướng liên kết. Hiện có 2 trang trại chăn nuôi lợn CNC với hệ thống chuồng lạnh quy mô trên 5.000 con/trang trại và các trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty CP chăn nuôi Việt Nam tại xã Hòa Tiến (H.Hòa Vang).
|
Bình luận (0)