Giải quyết chế độ thai sản cho người lao động thấu tình, đạt lý

15/05/2018 07:00 GMT+7

Trong tất cả các hoạt động tuyên truyền về các chế độ thụ hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) của BHXH TP.Đà Nẵng, chế độ thai sản của người lao động luôn được nhắc đến rất kỹ lưỡng.

Tuy nhiên không ít người lao động vẫn chưa nắm vững được mức hưởng, thời gian hưởng BHXH trong thời kỳ thai sản.
Chị N.T.Mẫn, làm việc tại một công ty đồ chơi trẻ em KCN Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ, chị được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào ngày 1.5.2017, đến ngày 20.4.2018 là kết thúc hợp đồng và không ký tiếp hợp đồng. Trong khi đó, hiện chị Mẫn đang mang thai tháng thứ 4, thì chị có được hưởng chế độ thai thai sản không?, “Hoặc nếu không thì tôi có thể đóng tiếp cho đến khi sinh em bé thì có được nhận tiền thai sản không?”, chị Mẫn hỏi thêm.
Đối với vấn đề của chị Mẫn, phía BHXH TP.Đà Nẵng có giải đáp: Theo khoản 2, khoản 3, điều 31, Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp của chị Mẫn đã kết thúc hợp đồng vào tháng 4.2018 và dự kiến sinh con vào khoảng tháng 10.2018, thì thời gian 12 tháng trước khi sinh của chị Mẫn được xác định là khoảng thời gian từ 10.2017 đến tháng 9.2018, nếu trong thời gian 12 tháng đó, chị Mẫn đóng BHXH đủ 6 tháng thì chị Mẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Nếu sau khi chấm dứt HĐLĐ chị Mẫn tiếp tục đóng BHXH theo đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thời gian đóng BHXH bắt buộc được cộng dồn để tính hưởng chế độ thai sản; Nếu tiếp tục đóng BHXH nhưng theo đối tượng BHXH tự nguyện thì thời gian đóng BHXH tự nguyện đó không được tính hưởng chế độ thai sản.
Tương tự, chị H.T.K.O, làm việc tại Công ty V. Đà Nẵng, chị sinh được 1 tuần thì nộp giấy chứng sinh để công ty làm hồ sơ nhận chế độ thai sản, nhưng gần 6 tháng vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Đối với trường hợp của chị O., qua kiểm tra, thì Công ty V. Đà Nẵng còn nợ BHXH, vì vậy phía BHXH chưa thể giải quyết chế độ thai sản của chị O. Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2015 ngày 11.11.2015 của Chính phủ quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. “Theo quy định trên, BHXH TP.Đà Nẵng đã tư vấn cho chị O. yêu cầu Công ty V. Đà Nẵng đóng đủ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho cá nhân chị và nộp hồ sơ theo quy định về BHXH TP.Đà Nẵng để được giải quyết chế độ thai sản”.
“Về phía BHXH TP.Đà Nẵng, luôn thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời và tạo điều kiện để người lao động được thụ hưởng chế độ thai sản nhanh chóng và thuận lợi nhất. Những trục trặc đôi khi đến từ doanh nghiệp chây ì đóng BHXH gây thiệt cho người lao động, hoặc thiếu hiểu biết về BHXH khiến người lao động không nắm được quyền lợi của mình. BHXH Đà Nẵng luôn sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn, giải đáp mọi vướng mắc của người lao động, doanh nghiệp qua đường dây nóng của BHXH thành phố: duongdaynong@bhxhdanang.gov.vn hoặc tại website của BHXH thành phố: http://www.bhxhdanang.gov.vn/, nhanh chóng, kịp thời”, ông Lê Anh Nhân, Phó giám đốc BHXH Đà Nẵng khẳng định.
Trong chế độ thai sản theo Luật BHXH năm 2014 có một số nội dung người lao động cần lưu ý, đó là:
Khoản 2 Điều 34 quy định: Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày.
Điều 38 quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.