Phát triển CNTT, Đà Nẵng hướng đến xây dựng một đô thị thông minh, đáng sống

27/10/2017 08:00 GMT+7

Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số đã trở thành hướng đột phá, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian qua.

Và CNTT cũng được kỳ vọng sẽ là nền tảng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Bước đột phá về CNTT của Đà Nẵng
Vào đầu tháng 10.2017, Bộ TT-TT và Hội Tin học Việt Nam đã công bố báo cáo chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam - Việt Nam ICT Index 2017, theo đó Đà Nẵng đứng đầu về chỉ số ICT Index ở khối các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số Việt Nam ICT Index, xác lập một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam. Thực tế những năm qua đã cho thấy, ứng dụng CNTT là một trong những lý do tạo nên sự khác biệt trong cách thức làm việc và vận hành của các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng nên một Đà Nẵng hiện đại, văn minh, và đáng sống.
Ứng dụng góp ý, một trong những tiện ích hiệu quả, kênh giao tiếp, giải quyết các vấn đề của người dân được nhiều người sử dụng
Ứng dụng góp ý, một trong những tiện ích hiệu quả, kênh giao tiếp, giải quyết các vấn đề của người dân được nhiều người sử dụng NGUYỄN TÚ
Ứng dụng góp ý, một trong những tiện ích hiệu quả, kênh giao tiếp, giải quyết các vấn đề của người dân được nhiều người sử dụng
Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn). Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng Chính quyền điện tử cốt lõi của Đà Nẵng như: Hệ thống Một cửa điện tử; Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống Góp ý; Hệ thống Quản lý cán bộ - Công chức - Viên chức (CBCCVC), Hệ thống Quản lý nhân hộ khẩu... Trong các ứng dụng của Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, nổi bật là Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 215 đơn vị nhà nước sử dụng. Một ứng dụng cốt lõi khác của Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng là phần mềm Một cửa điện tử dùng chung cho các sở ngành, quận, huyện, xã, phường, các đơn vị trực thuộc. Ứng dụng góp ý (phiên bản web và app mobile) để tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân về nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố như giao thông, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục... Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình: thông qua các thiết bị giám sát hành trình, Hệ thống thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt... để phục vụ quản lý, điều hành.
Đà Nẵng: Tiềm năng và lợi thế
Để phục vụ phát triển công nghiệp CNTT, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin viễn thông đồng bộ, hiện đại. Hiện nay Đà Nẵng là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế với hạ tầng CNTT - truyền thông có quy mô lớn, với các tuyến truyền dẫn quốc gia và quốc tế bảo đảm độ ổn định cao nhờ kết hợp nhiều phương thức: cáp quang biển, cáp quang trên bộ, cáp quang trên đường điện lực, vi ba và vệ tinh, với Trạm cáp quang biển quốc tế SEMEWE 3 có tổng dung lượng 80 Gbps kết nối VN với gần 40 nước ở châu Á và châu Âu; Hạ tầng viễn thông khá hiện đại với 60 đài vệ tinh phục vụ yêu cầu phát triển nhiều loại hình dịch vụ tiên tiến; Mạng đô thị TP (mạng MAN) do Đà Nẵng xây dựng riêng, với trên 300 km cáp quang đi ngầm kết nối tất cả cơ quan Đảng, chính quyền với băng thông kết nối nội mạng (Intranet) từ 1 Gbps đến 20 Gbps và kết nối tập trung ra internet với băng thông lên đến 4,5 Gbps…
Nhằm tạo môi trường liên kết, chuyên nghiệp, quy tụ các doanh nghiệp CNTT cùng làm việc, hợp tác và phát triển, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư, thành lập Khu công viên phần mềm Đà Nẵng với tổng diện tích xây dựng 26.767 m2, có khoảng 76 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2.400 lao động, trong đó có trên 35 doanh nghiệp FDI. Tổng vốn đầu tư thu hút được hơn 1.792 tỉ đồng, doanh thu của các doanh nghiệp CNTT làm việc trong Khu năm 2016 là 1.172 tỉ đồng. TP cũng đã triển khai quy hoạch thêm Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (341 ha) và Khu CNTT tập trung số 2 (56 ha), Khu công viên phần mềm số 2 (10 ha). Ngoài ra, Đà Nẵng còn có Khu công nghệ cao với tổng diện tích 1.129 ha; Tòa nhà phần mềm FPT Đà Nẵng tại khu công nghiệp An Đồn và Khu Đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (FPT City) do Tập đoàn FPT làm chủ đầu tư được xây dựng với tổng diện tích 181 ha.
Hằng năm, số lượng người được đào tạo từ các cơ sở đạo tạo CNTT trên địa bàn thành phố ước đạt trên 2.000 người. Thành phố đã triển khai các chính sách ưu đãi của Trung ương về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, ban hành các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, tín dụng, sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CNTT phát triển.
Hôm nay, ngày 27.10, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội thảo cấp cao về Xây dựng thành phố thông minh và Xúc tiến đầu tư CNTT TP.Đà Nẵng năm 2017, với nhiều nội dung được bàn thảo như: Thành phố thông minh; Tiềm năng đầu tư CNTT của TP...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.