100% lụa tơ tằm Việt Nam
Theo ghi nhận tại một cửa hàng chính thức của Nhasilk ở P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM - nơi trưng bày nhiều mặt hàng khăn lụa cao cấp. Khi được hỏi về xuất xứ và nguồn gốc của sản phẩm, nhân viên tại đây cho biết, lụa của Nhasilk đều được dệt thủ công truyền thống và được cung cấp từ làng nghề Mã Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, để khẳng định lời nói của mình, nhân viên Nhasilk đã cho chúng tôi xem hàng loạt các hóa đơn mua bán giữa Nhasilk và Công ty Mã Châu trị giá hàng trăm triệu đồng cùng phiếu kết quả thử nghiệm số 37107-1/TNV ngày 26.7.2018 tại Phân viện dệt may tại TP.HCM trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam, về mặt định tính xác định nguyên liệu là 100% từ tơ tằm.
|
Người thực sự đứng sau thương hiệu Nhasilk là ai?
Theo hồ sơ đăng ký, thương hiệu Nhasilk thuộc sở hữu của Công ty TNHH tơ lụa Nhã Lam, công ty này được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 12.6.2018, đại diện pháp luật công ty là ông Trần Hữu Như Anh, người từng được biết đến như một hiệp sĩ với câu chuyện “giải cứu” hàng ngàn tấn dưa hấu giữa năm 2015, hỗ trợ thu mua dưa và trao lại hàng tỉ đồng giúp bà con nông dân trồng dưa thoát cảnh trắng tay trong tình cảnh cơn lũ trái mùa bất ngờ ập đến.
Ông Trần Hữu Phương, truyền nhân hiếm hoi còn sót lại của làng lụa truyền thống Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - đơn vị cung ứng sản phẩm chính thức của Nhasilk cho biết, “hiệp sĩ dưa hấu” Trần Hữu Như Anh cũng chính là người anh họ của mình và hiện là giám đốc điều hành Công ty TNHH tơ lụa Nhã Lam.
“Vào năm 2017, trước cơn bão hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường, cộng với việc niềm tin của người tiêu dùng với lụa trong nước mất đi đã làm làng nghề Mã Châu rơi vào tình trạng bế tắc đầu ra. Lúc bấy giờ, tôi có chia sẻ chuyện này với anh Như Anh và nhận được lời đề nghị giúp đỡ. Phía làng nghề sẽ cải tiến sản xuất để cho ra những sản phẩm lụa thượng hạng nhưng giá thành phải chăng, phía Như Anh sẽ tìm cách tiêu thụ sản phẩm ấy”, ông Phương nhớ lại.
Ông Phương cũng cho biết thêm, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của anh Như Anh, thời gian gần đây làng nghề cũng đã dần đi vào ổn định, lụa Mã Châu cũng đã tiêu thụ được hàng nghìn mét lụa tơ tằm mỗi tháng, mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng. Trong kế hoạch phục dựng lại làng nghề truyền thống, anh Như Anh sẽ mở rộng quy mô sản xuất, thuê lại đất của người dân để trồng dâu nuôi tằm, tạo công ăn việc làm cho bà con, biến Bến Đò Tơ thành nơi du lịch làng nghề để phát triển quê hương, góp phần xây dựng kinh tế quê hương ngày càng giàu mạnh.
Đầu tháng 10 mới đây, đánh dấu sự thành công cho sự hợp tác giữa 2 đơn vị, làng nghề Mã Châu đã lần đầu tiên Nam tiến, mang theo con tằm, cây dâu, khung cửi vào ra mắt tại TP.HCM trong buổi trình diễn “Chuyện kể xứ tằm tang” và đã thu hút được đông đảo sự chú ý của người dân nơi đây.
Bình luận (0)