Vị khách hàng trên là bà Lý Thị Cẩm Thúy (ngụ tại Q.5) và căn nhà mà Trung tâm BĐGTS đưa ra bán công khai là theo ủy quyền của Phòng Thi hành án TP.HCM, để thi hành một bản án đã phát sinh hiệu lực pháp luật. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu, bà Thúy tưởng rằng đã mua được một căn nhà ưng ý nhưng "bỗng dưng" hơn 1 năm sau ngày trúng đấu giá, ngày 26/12/2001, Phòng Kiểm sát thi hành án của Viện KSND TP.HCM có công văn yêu cầu hủy bỏ việc cưỡng chế giao nhà. Tiếp đó ngày 4/1/2002, Viện KSND tối cao có công văn yêu cầu hoãn thi hành bản án trên trong 3 tháng. Ngày 12/7/2002, bản án "quyết định" đến số phận căn nhà trên đã bị TAND tối cao tuyên hủy và chuyển toàn bộ hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Rồi đến tháng 4/2004, TAND TP.HCM lại ra quyết định đình chỉ vụ án và căn nhà trên hiện đang thuộc quyền quản lý của chủ cũ. Sau một thời gian dài khiếu kiện vì bị xâm hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp, bà Lý đã qua đời, để lại một sự kiện pháp lý rối như tơ cùng với số phận "hẩm hiu" của 400 lượng vàng mà bà bỏ ra mua căn nhà do chính trung tâm đấu giá của Nhà nước rao bán.
Đó chỉ là một trong 14 trường hợp nổi cộm đang bị "treo" chưa được giải quyết mà ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Trung tâm BĐGTS TP.HCM vừa có văn bản báo cáo với Cục Thi hành án (Bộ Tư pháp). Dù là ở các trường hợp khác nhau nhưng cả 14 vụ việc đều có một điểm chung: việc mua nhà bán đấu giá bị "ách" lại do cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp. Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Huy nhận xét: "Khoan hãy nói việc can thiệp của các cơ quan trên là đúng hay sai, tôi chỉ quan tâm đến quyền lợi của khách hàng mua nhà bán đấu giá vì họ không có lỗi gì trong các bản án của tòa nhưng nếu như có kháng nghị và bản án có chỉnh sửa thì quyền lợi của họ không được ai quan tâm".
Trong bản báo cáo với Cục Thi hành án, ông Huy đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó ông cho rằng cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người trúng đấu giá.
Minh Thuận
Bình luận (0)