Bán hàng không xuất hóa đơn: Dân ta lâm cảnh mua bán bất hợp pháp (Bài 3)

26/05/2009 23:07 GMT+7

Bài 3: Làm gì để chấm dứt "thói quen" trốn thuế ? Mời nghe đọc bài Thanh Niên đã trao đổi với cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế về các giải pháp chấm dứt "thói quen" bán hàng không xuất hóa đơn của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Huyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Biện pháp quản lý phải phù hợp tình hình

Các quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế đã rõ ràng rồi nhưng về mặt thực thi thì cũng có những vấn đề phải giải quyết. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là dù quy định đã có nhưng mức độ, khả năng kiểm tra của cơ quan thuế cũng có những hạn chế nên không thể kiểm soát hết được việc thực thi nghĩa vụ thuế của cá nhân, tổ chức.

Còn về việc các doanh nghiệp giấu bớt doanh thu thì cũng có một thực tế là đối với một số đối tượng tham gia kinh doanh, rất khó có thể xác định được doanh thu chính xác của họ qua từng tháng mà các cửa hàng kinh doanh ăn uống là một ví dụ. Cũng vì thế, cơ quan thuế đưa ra biện pháp là xác định một mức thuế khoán và mức này ổn định từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có sự thay đổi thì sẽ điều chỉnh với tình hình thực tế. Riêng với các doanh nghiệp nộp thuế theo phương thức kê khai, nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện gian dối sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng phải nhìn nhận là ý thức về nộp thuế cũng có vấn đề nên các biện pháp quản lý thuế cũng phải phù hợp với tình hình đó. Gần đây nhất, một trong những biện pháp nhằm giảm bớt hiện tượng trốn thuế, giấu doanh thu là việc quy định các giao dịch có giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua ngân hàng. Trong tương lai, quy định bắt buộc thanh toán qua ngân hàng có thể mở rộng với cả số tiền thanh toán nhỏ hơn. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mà việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn diễn ra phổ biến thì quy định này cần có thời gian mới có thể đi vào cuộc sống thật đầy đủ.

Ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM: Phải tăng cường kiểm tra

* Hiện nay, rất nhiều đơn vị bán hàng trên 100.000 đồng không chịu xuất

 
Ảnh: D.Đ.Minh
hóa đơn GTGT, hoặc xuất hóa đơn nhưng yêu cầu tính thêm 10% thuế GTGT hay hẹn nhiều ngày đến lấy hóa đơn… Ông nhận xét gì về vấn đề này?

- Chỉ có trường hợp bán lẻ hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng có giá trị dưới 100.000 đồng mỗi lần thu tiền nếu người mua không yêu cầu lập và giao hóa đơn thì người bán không bắt buộc phải lập hóa đơn. Còn nếu người mua hàng yêu cầu giao hóa đơn thì người bán vẫn phải lập và giao hóa đơn theo đúng quy định. Trường hợp bán hàng cho người tiêu dùng có giá trị trên 100.000 đồng mỗi lần thu tiền, không lập hóa đơn hoặc khi giao hàng không lập hóa đơn ngay mà hẹn vài ngày mới lập hóa đơn là không đúng quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn khi mua bán hàng hóa.

Theo quy định, giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh niêm yết giá bán thì giá này đã bao gồm cả thuế GTGT. Người mua chỉ phải thanh toán theo giá đã niêm yết, người bán không được cộng thêm thuế GTGT khi lập hóa đơn. Ví dụ, một công ty bán tivi, niêm yết 9,9 triệu đồng/cái thì giá này đã có thuế GTGT. Khi lập hóa đơn GTGT thì giá chưa có thuế GTGT là 9 triệu đồng, thuế GTGT (10%) là 900.000 đồng, người mua chỉ thanh toán theo giá đã có thuế là 9,9 triệu đồng.

* Doanh nghiệp không xuất hóa đơn ảnh hưởng gì về mặt kinh tế - xã hội, thưa ông?

- Đối với người bán và người mua hàng, hóa đơn hợp pháp là căn cứ xác lập quyền lợi, trách nhiệm của các bên. Nếu bên bán không lập hóa đơn sẽ không có căn cứ xác định trách nhiệm của họ về hàng hóa cung cấp, người mua mất quyền lợi nếu hàng hóa mua không đảm bảo thỏa thuận như chất lượng... Riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hóa đơn hợp pháp là cơ sở để khấu trừ thuế GTGT, hoàn thuế GTGT, tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Về mặt kinh tế - xã hội, mua bán không xuất hóa đơn thì không phản ánh đúng mức độ sản xuất kinh doanh, việc xác định GDP không chính xác.

* Cục Thuế TP.HCM có biện pháp nào khắc phục tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn?

- Cục Thuế TP.HCM đã có thông báo một số quy định về quản lý sử dụng hóa đơn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; mở đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức về việc mua bán lập hóa đơn chứng từ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, khi người tiêu dùng mua hàng hóa, nếu bên bán không xuất hóa đơn đề nghị phản ánh ngay cho cơ quan thuế để kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

* PGS-TS Sử Đình Thành - Trưởng khoa Tài chính Nhà nước (trường Đại học Kinh tế TP.HCM): "Tình trạng mua bán hàng không xuất hóa đơn xảy ra từ nhiều năm nay. Vấn đề ở chỗ là khâu tăng cường giám sát xử lý hiện nay của cơ quan chức năng không làm nổi. Các quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn hiện nay khá đầy đủ nhưng hành vi gian lận là từ con người. Vừa qua, trường có một cuộc điều tra hành vi của người tiêu dùng trong việc lấy hóa đơn. Các sinh viên phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng mua hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm nhưng đều nhận được câu trả lời là không lấy hóa đơn. Tình trạng mua bán hàng hóa không xuất hóa đơn xảy ra mãi thì người bán hàng hóa dịch vụ đàng hoàng sẽ chịu thua thiệt. Còn người tiêu dùng nhận hóa đơn, trước mắt không thấy lợi ích gì nhưng khi thấy số thuế này sẽ được đưa vào xây dựng bệnh viện, trường học, đường sá... thì sẽ thấy lợi ích của nó. Nhưng nhận thức để đi đến việc lấy hóa đơn của người tiêu dùng không phải dễ. Do đó cần phải có sự tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ. Riêng đối với những doanh nghiệp trốn thuế thì cần xử phạt nặng, nếu như số thuế trốn là 10 đồng thì phải phạt đến 100 đồng".

* Bà Nguyễn Hồng Trang - Trưởng khoa Kinh tế Tài chính (trường Cao đẳng Viễn Đông): "Ở nước ngoài, hệ thống quản lý thuế khá tốt. Người tiêu dùng lấy hóa đơn sẽ được trừ ra các chi phí trước khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Chính vì vậy, mà họ sẽ lấy hóa đơn khi mua hàng. Còn tại Việt Nam, người tiêu dùng lấy hóa đơn không được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập cá nhân mà còn bị nơi bán tính thêm 10% thuế GTGT. Như vậy sẽ không khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn. Để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ đòi hỏi phải có hệ thống theo dõi thu nhập của mỗi cá nhân, một hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư mạnh".

* Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Phó tổng giám đốc PriceWaterHouseCooper Việt Nam: "Công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Nếu nhiều người dân vẫn coi trốn thuế là một việc làm "thông minh" và không đáng bị lên án thì sẽ khó có thể giảm được việc trốn thuế. Bên cạnh đó, việc xử phạt đối với tội trốn thuế cũng cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp cũng phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình chung của cả cơ quan quản lý thuế lẫn người nộp thuế chứ không có một lời giải dễ dàng và ngay lập tức cho bài toán về nghĩa vụ thuế".

Hoàng Ly - Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.