Bán hàng không xuất hóa đơn: Dân ta lâm cảnh mua bán bất hợp pháp!

24/05/2009 23:45 GMT+7

Bài 1: Muốn có hóa đơn phải trả thêm tiền Việc bán hàng không giao hóa đơn diễn ra phổ biến, đến mức trở thành bình thường và dân ta đang bị lôi cuốn vào cảnh mua bán bất hợp pháp thường nhật.

Pháp luật quy định tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế khi bán hàng, dịch vụ phải lập và giao hóa đơn hợp pháp cho khách hàng. Nếu không lập và giao hóa đơn bị coi là hành vi trốn thuế. Trên thực tế, việc bán hàng không giao hóa đơn diễn ra như cơm bữa, đến nỗi mọi người thấy đó là chuyện bình thường mặc dù đó là mua bán bất hợp pháp.

Khi mua bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào, khách hàng đều phải trả tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nhưng trên thực tế, đối với rất nhiều công ty, cửa hàng, thuế GTGT chỉ dành cho những người... yêu cầu hóa đơn.  Kết thúc bữa ăn tại một nhà hàng hải sản nổi tiếng trên đường Yên Phụ (Hà Nội), khi gọi tính tiền và viết hóa đơn cho công ty, anh Nguyễn Tuấn N. được nhà hàng yêu cầu phải trả thêm 10% thuế GTGT. Khi được hỏi vì sao lại tính thêm tiền thuế GTGT, nhân viên phục vụ trả lời khá đơn giản: "Do anh đòi lấy hóa đơn nên bọn em phải tính tiền lấy hóa đơn".

Mình mà hạch toán, tính thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa dịch vụ mình bán ra mới là dở hơi!
Giám đốc một công ty tư nhân tại Hà Nội

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một tiệm ăn có tiếng trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Tại đây, hóa đơn tính tiền có cả phần thuế GTGT, nếu khách hàng không lấy hóa đơn, yêu cầu trừ đi phần thuế thì nhà hàng sẽ trừ. Nhưng trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn và khi thanh toán không yêu cầu trừ thuế GTGT thì nhà hàng này... thu cả. 

Tại một cửa hàng bán quần áo may sẵn của công ty may H. tại tầng 1 của khu siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), khi thanh toán tiền mua quần áo cho công ty và yêu cầu viết hóa đơn GTGT, chị Trịnh Kim C. được nhân viên thu ngân tại đây yêu cầu phải trả thêm 10% tiền thuế và hẹn 3 ngày sau trở lại lấy hóa đơn. Bực mình vì phải trả thêm tiền hóa đơn một cách vô lý, chị N. nói với nhân viên thu ngân: "Tại sao tôi lại phải trả thêm tiền thuế trong khi giá bán ra là đã có thuế rồi?". Một nhân viên ở đây trả lời: "Thực ra, khách hàng yêu cầu hóa đơn GTGT bọn em mới tính thuế và khi đó thì khách trả. Còn nếu không yêu cầu hóa đơn thì thôi chị ạ".

“Thẻ cào thì có, hóa đơn thì không” 

Theo quy định, khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ trên 100.000 đồng, đơn vị bán phải xuất hóa đơn. Vậy mà nhiều hàng hóa, dịch vụ có trị giá từ vài triệu đồng trở lên, người bán vẫn không xuất hóa đơn. Tại một cửa hàng mua bán máy laptop trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), PV Thanh Niên hỏi mua một máy laptop Sony Vaio trị giá 20.605.000 đồng. Sau khi giới thiệu các tính năng của máy, chị bán hàng nói: “Nếu em lấy hóa đơn thì phải tính thêm 5% tiền thuế. Còn nếu không lấy hóa đơn thì giá không thay đổi”. 

Mới đây, trên đường đi làm về, PV Thanh Niên ghé cửa hàng Thế giới di động trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) để mua một thẻ cào trả trước trị giá 300.000 đồng và yêu cầu được lấy hóa đơn để về thanh toán với cơ quan. Cô nhân viên lắc đầu bảo: “Thẻ cào thì có chứ hóa đơn GTGT thì không, chị ơi”... Theo khảo sát của Thanh Niên, tình trạng bán hàng nhập nhèm về số tiền thuế GTGT xảy ra rất phổ biến trong các giao dịch mua bán, đặc biệt là ở các đơn vị, công ty cỡ vừa và nhỏ trong các lĩnh vực như nhà hàng, quần áo, hàng điện tử, điện máy... Tại các đơn vị này, thuế GTGT có thể được thu thêm hoặc không thu thêm phụ thuộc vào mối quan hệ giữa khách hàng và người bán, phụ thuộc vào thái độ cương quyết khi thanh toán của người mua. 

Hầu hết khách hàng là cá nhân khi mua hàng hóa cũng đều ít quan tâm đến hóa đơn thuế GTGT. Nếu có, họ chỉ lấy hóa đơn để làm minh chứng cho việc đã trả tiền của mình. Chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: "Chỉ khi mua tivi LCD mới đây thì lấy hóa đơn về cất giữ để còn biết ngày xuất hàng làm cơ sở bảo hành sản phẩm".

Viết 1 hóa đơn mất  2 tuần!

Khách hàng không lấy hóa đơn là chuyện dễ hiểu. Nhưng khi cần cũng mất thời gian, phải chờ đợi rất lâu. 

Anh T. tại Q.10 (TP.HCM) cho biết thường xuyên tiếp khách ở Highlands Coffee tại Q.1 (TP.HCM). Tuy số tiền mỗi lần không nhiều nhưng theo quy định của cơ quan, anh phải lấy hóa đơn về để tính chi phí tiếp khách. Bình thường, quán cà phê này đều hẹn anh một tuần sau mới quay trở lại lấy hóa đơn nhưng mới đây nhất, khi anh yêu cầu lấy hóa đơn là ngày 11.5 thì được hẹn đến ngày 25.5 mới giao hóa đơn. "Một tuần đã thấy quá lâu, không biết vì sao giờ lại hẹn đến 2 tuần. Highlands Coffee là một công ty lớn, không hiểu sao viết hóa đơn cho khách hàng lại khó khăn đến thế" - anh T. nói. 

Chị Trang từ Hà Nội bay vào TP.HCM công tác. Buổi trưa, chị Trang mời khách hàng đi ăn. Trước khi vào nhà hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chị Trang được nhân viên nhà hàng xác nhận nhà hàng có hóa đơn. Sau khi ăn uống, chị Trang đưa các thông tin của công ty như tên, địa chỉ, mã số thuế để họ xuất hóa đơn nhưng nhân viên nhà hàng nói: “3 ngày nữa mới có hóa đơn. 3 ngày nữa chị quay lại nhé”. Nghe xong, chị Trang dở khóc, dở cười vì chiều đó chị phải ra lại Hà Nội.

Tại nhiều cửa hàng, công ty, lý do của việc chỉ tính thuế GTGT khi khách hàng yêu cầu hoặc gây khó khăn cho việc lấy hóa đơn GTGT của khách hàng (phải chờ nhiều ngày) rất rõ ràng và đơn giản: giấu bớt doanh thu.  Giám đốc một công ty tư nhân tại Hà Nội nói thẳng: "Mình mà hạch toán, tính thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa dịch vụ mình bán ra mới là dở hơi".

Thuế GTGT thực chất là thuế gián thu, tức người mua hàng nộp thuế, chứ không phải người bán. Người bán hàng (các doanh nghiệp, công ty...) chỉ là người nộp thuế hộ cho người mua hàng.

Khi Luật Thuế GTGT ra đời (năm 1999), một trong những mục tiêu của Nhà nước lúc đó là tránh gây xáo trộn lớn cho đời sống người dân. Mọi người còn nhớ, khi thực hiện Luật Thuế GTGT, ngành điện đã điều chỉnh giá điện đang bán cho khách hàng ở thời điểm đó giảm đi 10%, để khi cộng thêm phần thuế GTGT vào thì giá điện bằng như cũ.

Không chỉ ngành điện mà nhiều loại hàng hóa, dịch vụ công khác cũng điều chỉnh giá lùi lại để sau khi cộng thêm thuế, giá bán đến tay khách hàng vẫn như cũ.
(Trần Hùng)

Bó tay vì... không có hóa đơn

Ông Kiều Mạnh Minh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Tiền Giang, than chưa thể cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông dân theo quyết định của Chính phủ vì “vướng mắc lớn là hóa đơn GTGT”.

Để được hỗ trợ lãi suất tiền vay, ngân hàng quy định khi nông dân mua hàng hóa phải có hóa đơn. Nhưng để có hóa đơn, nông dân bị cộng thêm 10% mà đôi khi số tiền này còn nhiều hơn số tiền được hỗ trợ lãi suất. Đây là gút mắc mà Ngân hàng NN-PTNT Tiền Giang đã có văn bản báo cáo và đang chờ Ngân hàng Nhà nước trả lời.

Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cũng có cùng nhận định: “Bà con nông dân rất cần vay vốn để mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp hoặc làm nhà, nhưng xưa nay đâu ai đòi hóa đơn. Bây giờ, nếu ngân hàng yêu cầu thì người dân phải chịu thôi. Nhưng đòi hóa đơn đỏ, phát sinh thêm chi phí thì nông dân bị thiệt chớ người bán họ đâu có chịu. Ví dụ, như máy cắt xếp dãy giá tiền khoảng 18 - 19 triệu đồng (chưa có máy động lực). Nếu đòi hóa đơn đỏ thì phải thêm từ 1 - 2 triệu đồng nữa”.

Một nông dân ở ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Luôn, tâm sự: “Vào vụ nuôi tôm, giữa lúc đang cần vốn để cải tạo đất, mua máy móc, mua tôm giống, nghe tin Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn tôi rất mừng, nhưng rồi mừng hụt. Hồ sơ vay vốn ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn đỏ nhưng lâu nay khi mua vật tư, thức ăn nuôi tôm các đại lý không xuất hóa đơn đỏ”.

Hoàng Phương - Trần Thanh Phong

 Hoàng Ly - Thanh Xuân - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.