Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn: Từ 'Ướt mi' đến Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn

29/06/2022 06:46 GMT+7

Những mối quan hệ thân tình của Trịnh Công Sơn , sự khởi đầu của con đường âm nhạc từ một phòng trà đã trở thành những manh mối theo dõi, nghe ngóng của mật vụ văn hóa chính quyền Sài Gòn khi mà tên tuổi của nhạc sĩ này đang tạo ra một thứ hấp lực đối với giới trẻ sinh viên học sinh và trí thức Sài Gòn ở các đô thị miền Nam.

Phòng trà Sài Gòn và thời cuộc

Ngoài những chi tiết về gia cảnh Trịnh Công Sơn, tờ phiếu trình của Bộ Thông tin Sài Gòn vào tháng 1.1969 còn thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông với ca sĩ Thanh Thúy và hoàn cảnh ra đời ca khúc Ướt mi - ca khúc làm nên một trong những dấu ấn đầu tiên của nhạc sĩ này trên con đường âm nhạc:

Trịnh Công Sơn và Đinh Cường tại Huế sau trận Mậu Thân 1968

Tư liệu

“Gia đình cha mẹ Sơn đều gốc ở Thừa Thiên (Huế) nhưng lập nghiệp tại Darlac (Đắk Lắk - NVN), khi cha chết thì mẹ Sơn đưa gia-đình con cái về buôn bán làm ăn tại Huế. Mẹ Sơn trước 1958 có một cửa hàng lớn tại đường Phan Bội Châu, nhưng về sau vì buôn bán lỗ lã nên phải dẹp tiệm ở nhà lo cho các con ăn học. Năm 1959 Sơn nghỉ học vào Sài Gòn. Từ một học-sinh ốm yếu ngây thơ nhưng đã có tính đam mê ca hát, nên khi vào đến Thủ đô hoa lệ, đêm đêm Sơn theo các bạn bè vào các nhà hàng ca-nhạc để nghe hát. Theo lời tâm sự và khi được hỏi trong trường hợp hoàn cảnh nào đã đưa Sơn vào con đường ca nhạc, được Sơn cho biết như sau:

Vào một hôm nọ, trong lúc ngồi nghe nữ ca sĩ Thanh Thúy trình bày một khúc nhạc buồn và sau đó không hiểu vì tâm sự gì Thanh Thúy đã khóc, lòng Sơn như se lại, cảm thấy buồn man mác và bỏ ra về. Suốt đêm hôm đó, không sao Sơn ngủ được, tâm hồn cứ ám ảnh bởi con người ca sĩ xứ Huế ấy bèn lấy giấy đặt một bài thơ để hôm sau trở lại trà thất (phòng trà - NVN) nọ tặng cho Thanh Thúy. Quả thật, khi tặng bài thơ kia cho Thanh Thúy, Sơn đã được Thúy khen ngợi ca tụng”.

Về sau, bài thơ này được phổ nhạc và nổi tiếng nhanh chóng.

Cách giải thích về sự nổi tiếng của Ướt mi đến những bước đi vào sự nghiệp Trịnh Công Sơn được văn bản trên thể hiện khá đơn giản: “Có lẽ vì quá được khích lệ, từ đấy Sơn bắt đầu đi vào con đường đặt thơ, viết nhạc. Từ những ca khúc, tình khúc ướt át, đậm buồn đến những ca khúc táo bạo nói lên thảm trạng xã hội sụp đổ đau thương vì chiến tranh, đặc biệt hơn, gần đây Sơn đã sáng tác thêm Ca khúc da vàng, có những bài như Tôi hát trên xác (có lẽ tên chính xác là Hát trên những xác người - NVN) bài này diễn tả một cảnh tàn sát chết chóc tại Huế hôm tết Mậu Thân”.

Giấy cam kết về lý lịch do Trịnh Công Sơn khai và ký

NVN chụp lại tư liệu TTLTQG II, TP.HCM

Tầm ảnh hưởng quốc tế

Trong hồ sơ “Mật” này, phần phân tích “Những hoạt-động trong quá khứ và hiện tại của Sơn” cho thấy khá rõ quan điểm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước sức ảnh hưởng của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Bộ Thông tin Sài Gòn nhận định sau Mậu Thân: “Ảnh hưởng của Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn đã lên rất cao, không những tại quốc nội mà ngay cả quốc ngoại như tại Mỹ, Pháp, Nhựt, thanh niên sinh viên đang khai thác triệt để thuộc mọi khuynh hướng nhứt là phái tả”.

Ngoài ra, tài liệu còn ghi nhận cả việc phát hành băng nhạc Trịnh Công Sơn không bản quyền tại miền Nam và nước ngoài, cuộc sống nghèo của Trịnh Công Sơn vào thời điểm đó: “Tại trong nước, nhạc của Sơn đang được phổ biến sâu rộng phần lớn do chính tác giả tự đánh đàn trình bày, có khi đồng ca với nữ ca sĩ Khánh Ly, có loại lại hoàn toàn do Khánh Ly hoặc Lệ Thu trình bày. Tất cả những bản nhạc được trình bày đều thâu vào băng nhựa để chuyển cho nhau nghe giữa bạn bè, nhưng về sau này có người đã lợi dụng khai thác thương mãi, họ cho vào băng nhựa nhỏ (cassette) gởi bán tại trong và ngoài nước mà lẽ ra chính tác giả mới là người đứng ra khai thác thụ hưởng mới phải. Cũng vì thế, Sơn chỉ được tiếng nhưng không có miếng, Sơn vẫn nghèo, không có nơi ăn chốn ở, phải sống nhờ bạn bè nhiều hơn gia đình cung cấp. Ý thức được sự thiệt thòi đó, gần đây Sơn đã nhờ một vài bạn bè tổ chức lại việc phát hành, xuất bản tác phẩm để giữ độc quyền”.

Tuy nhiên, tên tuổi cũng làm cho cuộc sống Trịnh Công Sơn bận rộn hơn. Như một bản theo dõi mật vụ, hồ sơ trên thuật lại chi tiết: “Nhìn về cuộc sống hiện tại và những hoạt động hằng ngày của Sơn, như đã trình bày trên, từ sau biến cố tết Mậu Thân và từ khi Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn thịnh hành, cuộc sống của Sơn lúc nào cũng bận rộn, nào viết nhạc đặt lời ca, nào dạy hát, tập bài ca cho anh chị em sinh viên, tiếp xúc bạn bè... đặc biệt trong những ngày vừa qua đã có rất nhiều nhà báo, ký giả ngoại quốc như báo NEWSWEEK, TIMES, FIGARO và nhiều nhà báo khác của Nhựt Bổn, Đại Hàn đến tiếp xúc, phỏng vấn, chụp hình...”.

Trong Giấy cam kết đính kèm với bản phiếu trình điều tra, Trịnh Công Sơn điền vào mục nghề nghiệp là: “Viết nhạc”. Ở phần “Xin cam kết” của bản khai này thì có một dấu gạch chéo trên các điều khoản: “Tuyệt đối trung thành với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa”; “Tuyệt đối không cung cấp tin tức cho một cá nhân nào khác ngoài cơ quan mà tôi đang phục vụ trừ khi có lệnh trên”; “Tuyệt đối giữ tất cả những tin tức mà tôi được biết trong khi thừa hành phận sự...”.

Nhiều khả năng đó chính là dấu gạch chéo của người ký tên bên dưới: Trịnh Công Sơn. Thời điểm đó, rất có thể ông đã cân nhắc, không chấp nhận “cam kết” những điều kiện này.

(còn tiếp)

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn

Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.