Sửa bằng công nhận di tích ?
|
Theo ông Ninh, việc chỉnh sửa là để cho “gần” với tuổi của hài cốt bốc được năm 1986 so với giám định của ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành động vật học và nhân chủng học tại biên bản khai quật mộ (Thanh Niên đã đề cập trong bài trước). Cụ thể, trong hai biên bản giám định, cùng ghi ngày 19.4.1986, biên bản thứ nhất mà ông Ninh cho rằng đó là bản gốc, phần nhận xét bước đầu tại hiện trường, ông Khá cho ý kiến “người này khoảng 50 tuổi”, nhưng tại một biên bản khác, lại phần ý kiến của ông Khá thì ghi “người này khoảng 40 tuổi”. Người lập biên bản và ký tên là ông Dương Văn Cầu (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử tỉnh Kiên Giang). Trong khi đó, anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh năm 30 tuổi.
Mặt khác, ông Ninh cũng đưa ra bằng “Công nhận di tích lịch sử - văn hóa” đối với mộ và đình Nguyễn Trung Trực, do Bộ Văn hóa cấp ngày 6.12.1989, theo ông cũng đã bị sửa đi sửa lại theo hướng... làm lớn tuổi của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Với cùng nội dung, hình thức, nhưng một bản ghi “Mộ và đình Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868)”, còn bản khác có dấu của cơ quan công chứng (ngày 17.2.1997) lại ghi “Mộ và đình Nguyễn Trung Trực (1830 - 1868)”. Như vậy, số 1838 trước đó đã bị chỉnh sửa thành số 1830 (?).
Ông Ninh cho biết: “Trong một lần phát hiện ra sự khác nhau này, tôi đã mượn bằng công nhận đã bị sửa ngày sinh của cụ Nguyễn từ Bảo tàng Kiên Giang để đi công chứng lưu lại làm chứng cứ. Sau đó, khi tôi tố giác chuyện này thì bằng công nhận di tích trở lại năm sinh của cụ Nguyễn là 1838. Tuy nhiên, bản công chứng, dấu tích của sự chỉnh sửa này tôi vẫn giữ kỹ lưỡng”.
Trong khi đó, tại buổi lễ cải táng hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực, trên bia mộ lại thể hiện khác: “Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1837 - 1868)”.
Ông Ninh cho biết, đã 28 năm qua ông kiên trì gửi kiến nghị đi các nơi với nguyện vọng cần làm rõ hài cốt nằm trong ngôi mộ Nguyễn Trung Trực có thực sự là của vị anh hùng này không.
Thủ cấp cụ Quản Điều trong đền Nguyễn Trung Trực ?
Hiện còn một sự kiện khác cũng là sự tồn nghi về hài cốt anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nguyên trong đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá có một hộp sọ sơn màu đỏ đặt trên bàn thờ cụ Quản cơ Nguyễn Hiền Điều. Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng đây là thủ cấp của cụ Phó Cơ Điều.
Theo lịch sử, cụ Nguyễn Hiền Điều sinh ở Đông Hồ, tỉnh Vĩnh Long, giữ chức Thự quản cơ (tức là Quyền quản cơ) tỉnh Vĩnh Long. Nguyễn Hiền Điều lãnh nhiệm vụ dẹp loạn và bị thổ phỉ giết năm Giáp Ngọ (1834). Theo lời kể của các hương lão, phiến quân cắt đầu ông về treo tại vàm rạch ngã ba So Đũa. Dân thôn Vĩnh Hòa Đông lấy thủ cấp của ông về thờ tại đình làng và tôn ông làm chính thần. Đình Vĩnh Hòa Đông nay đổi tên là đình Vĩnh Hòa Hiệp (xã Vĩnh Hòa Hiệp, H.Châu Thành, Kiên Giang). Vì sao cụ Nguyễn Hiền Điều đã có đình thần riêng rất khang trang, ngay tại nơi hy sinh (giếng Cây Trâm, P.Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá, Kiên Giang), thủ cấp đã được thờ tại đình thần này tại sao lại lưu lạc sang đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực?
Theo ông Nguyễn Khương Ninh, ông được ông Dương Văn Cầu xác định đây chính là thủ cấp của Nguyễn Trung Trực do một người bí mật tiến cúng cho thủ tự đền thờ Nguyễn Trung Trực năm 1956. Bà Trần Thị Quý, con của người thủ tự thời đó đã xác nhận việc này. Theo lời bà Quý, ông Cầu thì đây là thủ cấp Nguyễn Trung Trực do nghĩa binh cướp được cất giấu, đến thời điểm năm 1956, ảnh hưởng của chính quyền Pháp ở Việt Nam đã chấm dứt, những người cất giấu đưa thủ cấp Nguyễn Trung Trực ra đền thờ. Cách giải thích này có phần hợp lý hơn đây là thủ cấp của cụ Nguyễn Hiền Điều.
Theo ông Nguyễn Khương Ninh, yêu cầu của con cháu anh hùng Nguyễn Trung Trực rất rõ ràng: Với điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại, tỉnh Kiên Giang, các cơ quan hữu trách, các nhà khoa học cần giám định xương sọ trong đền thờ và bộ hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực. Nếu kết quả giám định xác định thực sự là của Nguyễn Trung Trực thì là điều rất tốt. Còn nếu không phải thì phải đưa ra ngoài đền thờ và ra khỏi ngôi mộ. Nếu thủ cấp là của Nguyễn Trung Trực thì phải đặt lại chính vị tại bàn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực hoặc đặt tại ngôi mộ đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa. Nếu là của cụ Phó Cơ Điều thì nên đưa về lại đình thần của cụ Phó.
Sự kính trọng và niềm tin tâm linh của nhân dân với anh hùng Nguyễn Trung Trực cốt là ở tấm lòng. Ngay trong thời Pháp thuộc, dù bị Pháp kềm kẹp khắt khe, người dân Nam bộ vẫn lập hàng chục ngôi đền thờ của ông ở nhiều nơi. Tất cả ngôi đình, đền này đều chỉ có linh vị và tấm lòng người dân nhưng vẫn không kém thiêng liêng.
Nên giám định ADN Thời điểm khai quật mộ, khoa học giám định ADN ở VN chưa phát triển nên còn phải băn khoăn. Còn thời đại hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong giám định ADN hài cốt đã quá phát triển, hàng vạn hài cốt hoặc các mẫu tế bào sống đã được phân tích với độ chính xác rất cao. Do đó, để niềm tin người dân được có căn cứ vững chắc, để các thế hệ hậu duệ cụ Nguyễn được yên lòng thì việc đưa các mẫu hài cốt đi giám định ADN là hết sức cần thiết. |
Anh Kiệt - Tiến Trình
>> Tranh cãi về ngôi mộ trong đền Nguyễn Trung Trực
>> Kỷ niệm 145 năm ngày anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh
>> Nét mới trong lễ giỗ Anh hùng Nguyễn Trung Trực
>> Kỷ niệm 144 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Trung Trực
>> Phát sóng phim "Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Bình luận (0)