Liên tục các vụ gian lận, những hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh diễn ra gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang chọn kiểu làm ăn chụp giật để tồn tại và thu lợi. Đó là chuyện 2 ông lớn trong ngành thực phẩm, Công ty C.P và Công ty Emivest tự "thổi" giá trứng gia cầm để thu lợi, gây rối loạn thị trường, khiến dư luận bức xúc. Rồi một số hãng sữa tăng giá tới 10% với lý do hết sức trời ơi... "đổi bao bì, mẫu mã". Trước đó, nghi án hàng hiệu khiến bao người hoang mang vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Rồi hàng loạt các thương hiệu lớn chuyển giá, né thuế; vàng thì mua thấp, bán cao, tùy tiện nâng - giảm giá không theo quy luật thị trường... Tất nhiên, những DN chọn kiểu làm ăn thế này, khó có thể tồn tại lâu dài, họ sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Nhưng rõ ràng, họ đang là những con sâu "làm rầu" nồi canh thị trường.
Bởi thực tế, còn rất nhiều DN đã chọn cho mình cách vượt khó tất yếu và chuyên nghiệp. Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Coteccons, DN đầu tiên trong nước được chọn làm tổng thầu dự án Hồ Tràm Strip, dự án 100% vốn Canada trị giá tới 4,2 tỉ USD, ông Nguyễn Bá Dương tâm sự, cạnh tranh là tất yếu của thị trường nhưng "sự chân thành" trong kinh doanh là không thể thiếu ở bất cứ thời kỳ nào. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay yếu tố này càng trở nên cần thiết. Sự chân thành mà ông Dương nói đến thể hiện trong việc báo giá trung thực với chủ đầu tư, những tư vấn, khuyến cáo cần thiết và kịp thời từ kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ngay cả khi không trúng thầu.
Đó cũng là việc chia sẻ quyền lợi với đối tác và khách hàng. Đây không phải là những lời nói suông. Chính chủ đầu tư dự án Hồ Tràm Strip, Tổng giám đốc Tập đoàn Asian Coast Development, ông Colin Pine cũng khẳng định, sự chân thành là một trong những lý do quan trọng để họ chọn Coteccons trong rất nhiều các tên tuổi lớn trên thế giới tham gia đấu thầu. Như vậy có thể thấy, sự chân thành đã mang lại cho Coteccons hợp đồng thi công trị giá trên 3.200 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên của công ty trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Tương tự, rất nhiều DN đã tồn tại và vượt qua khó khăn bằng cách tiết giảm chi phí, giảm giá thành song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Không ít DN lại "nhân lúc" khó khăn này để kiện toàn bộ máy, nâng cấp quản trị, nhân lực, gạt bỏ mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận để thực hiện chiến lược phát triển dài hạn.
Rất nhiều giải pháp để tăng sức mua, tháo tồn kho đang được triển khai nhưng nói cho cùng, các giải pháp từ phía nhà nước cũng chỉ mang tính hỗ trợ. Nỗ lực của DN vẫn là quan trọng và hiệu quả nhất. Đầu tư chụp giật, kinh doanh gian lận, thiếu sòng phẳng hay chân thành, trung thực, chia sẻ quyền lợi để vượt khó, hiệu quả của mỗi giải pháp đều đã rõ ràng. Lựa chọn cách nào không chỉ thể hiện bản lĩnh mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững hay không của mỗi DN trong xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.
Nguyên Khanh
>> Ngày 18.1, CP giảm giá trứng gà còn 2.100 đồng/quả
>> Co.opmart vẫn chưa quyết định mua lại trứng của CP Việt Nam
Bình luận (0)