Tìm lại giai điệu một thời
Rẽ từ đường Thanh Niên vào đường Trích Sài, đi khoảng 5 phút, nhìn sang bên tay trái, thế nào cũng nhìn thấy quán cà phê có biển hiệu Lộc Vàng. Quán được thiết kế vô cùng đơn giản, không điều hòa, cũng chẳng có sa lon sang trọng, thay vào đó là những chiếc quạt máy, những bộ bàn ghế tre được sắp xếp gọn ghẽ. Đồ uống ở Lộc Vàng cũng không có gì quá đặc biệt, khách đến có thể gọi một ấm trà mạn để nhâm nhi, hay thưởng thức cốc cà phê đá như những nơi khác.
Sân khấu của quán, thực ra chỉ là một khoảng trống, phông sân khấu chỉ đơn giản là một tấm rèm được kéo che đi con đường Trích Sài xe vẫn lại qua. Ban nhạc cũng rất nhỏ gọn, một người chơi guitar, một người chơi đàn organ và người hát chính là… chủ quán. Buổi tối thứ hai, như thường lệ, đêm nhạc được tổ chức tại quán. Khách ngồi kín, khác hẳn với quang cảnh thưa vắng ban ngày. “Quán Lộc Vàng không đầu tư lớn về vật chất. Đó chỉ là một quán cà phê đơn sơ, đồ uống bình dân. Sân khấu âm nhạc cũng không có phụ trợ của dàn ánh sáng. Nhưng tôi vẫn thích tìm đến đây mỗi khi muốn được nghe nhạc xưa”, nhà báo Hồng Diệu chia sẻ.
Cũng như chị Diệu, nhiều người - trong đó có giới văn nghệ sĩ, vẫn thường tìm đến đây để được nghe lại những ca khúc tiền chiến và giọng hát ấm áp, trữ tình của ông Lộc Vàng, người năm nay đã bước sang tuổi 72. Những đêm nhạc của quán chỉ diễn ra vào 3 tối trong tuần, nhưng rất đều đặn: thứ hai, thứ năm và thứ bảy. Trong không gian ấy, những ca khúc tiền chiến và trữ tình của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Nguyễn Văn Thương, Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… lại vang lên, truyền xúc cảm đến với từng vị khách.
Gìn giữ ca khúc xưa
Trong số những vị khách thường lui tới quán Lộc Vàng, có nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, ông cũng là người bạn ấu thơ của ông Lộc Vàng. Gần như đêm nào quán tổ chức đêm nhạc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng có mặt. Ông nghe nhạc và chụp ảnh cho bạn mình. “Đây là nơi duy nhất ở Hà Nội giữ được chính xác những nét nhạc, giai điệu của những ca khúc tiền chiến”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhận xét. Đó cũng là lý do vì sao, ông Lộc Vàng chạy vạy khắp nơi để mở quán cà phê này.
“Sau năm 1954, nhiều nhạc sĩ di cư vào Nam, những ca khúc tiền chiến cũng “di cư” vào trong đó, nhưng nhiều ca khúc đã bị địa phương hóa lời ca, tiết tấu, cách hát cũng bị thay đổi theo âm sắc của người Nam bộ. Đó là chưa kể, các ca khúc này về sau được hát tại hải ngoại cũng bị phôi pha nét nhạc so với bản gốc. Các ca sĩ được học tại trường âm nhạc với giáo trình nước ngoài hát theo kỹ thuật của phương Tây, nên khi hát thiếu đi tính trữ tình”, ông Lộc Vàng nói, cũng là để lý giải việc ông mở quán là mong muốn gìn giữ được những ca khúc xưa.
Ngoài tiếng hát của ông Lộc Vàng, còn có những giọng ca không chuyên được ông mời đến hát. “Họ không phải ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hát đúng chất nhạc trữ tình”, ông giải thích. Ông Lộc Vàng nói ông chỉ biết hát mà không biết làm kinh doanh nên quán bị lỗ nhiều. “Suốt từ sáng đến tối, chẳng có mấy khách vào uống cà phê, chỉ khi nào quán tổ chức đêm nhạc mới đông khách. Nhưng tiền thu được cũng chỉ đủ chi trả cho nhạc công, ca sĩ”, ông nói và cho biết, ông đã phải bán nhà để duy trì quán cà phê này. Đến giờ ông chẳng còn nhà để bán nữa mà ở luôn tại quán.
Không nhiều người đến quán nghe nhạc biết tới câu chuyện cuộc đời ông. Trong giai đoạn nhạc tiền chiến không được phép hát, vì quá mê nhạc mà ông Lộc Vàng và các bạn hát giấm dúi trong nhà, nhưng bị phát hiện và bị bắt giam trong suốt 8 năm. Dẫu vậy, tình yêu với dòng nhạc tiền chiến trong ông, cho đến nay, chưa bao giờ cạn.
Bình luận (0)