Ban nhạc truyền cảm hứng

11/05/2022 08:31 GMT+7

Đôi mắt thiếu ánh sáng nhưng tâm hồn tràn đầy nghị lực, nhóm bạn trẻ yêu âm nhạc thuộc Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng quyết tâm luyện 'ngón nghề' để chơi nhạc cụ, biểu diễn các tiết mục lan tỏa cảm xúc tích cực.

Gần 1 tháng qua, từ khi ban nhạc Khát Vọng của những hội viên khiếm thị được thành lập, không khí tại Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng trở nên vui vẻ, rộn ràng hơn. Ban nhạc có 14 thành viên tuổi từ 14 - 40. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi sở thích, nhưng đều chung niềm đam mê âm nhạc, khao khát sống có ích cho gia đình và xã hội. Hầu hết những người tham gia ban nhạc đang làm nghề xoa bóp tại Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng.

Chị Đoàn Thị Huỳnh Tươi (23 tuổi) cho biết “ngón nghề” của các thành viên trong ban nhạc không giống nhau. Có người đã chơi nhiều năm và cũng có người mới tập tành làm quen với nhạc cụ. Bên cạnh giáo viên thì người đi trước luôn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau.

Dù việc học nhạc đối với người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không ai từ bỏ đam mê của mình

Thanh Duy

“Người khiếm thị ít có cơ hội và cũng ngại tham gia các hoạt động giải trí bên ngoài. Giờ có sân chơi phù hợp với hoàn cảnh nên ai nấy đều vui, hào hứng. Ở đây, mọi người thoải mái bộc lộ hết năng khiếu của mình, thỏa mãn với đam mê, mạnh dạn “cháy” hết mình với âm nhạc”, chị Tươi nói. Với người có máu văn nghệ như anh Diệp Hoài Vũ (39 tuổi), năng lượng làm việc của anh đã có những thay đổi tích cực từ khi tham gia ban nhạc. “Không khí lớp nhạc lúc nào cũng náo nhiệt, vui vẻ. Sau mỗi lần luyện đàn, tập hát cùng nhau, tôi thấy tinh thần thoải mái hơn, phấn khởi hơn, giảm đi những mệt mỏi và nỗi buồn trong cuộc sống”, anh Vũ tâm sự.

Theo em Huỳnh Thiên Kim (15 tuổi), niềm vui, hoạt động giải trí của người khiếm thị thường chỉ là đọc chữ nổi, nghe nhạc, nghe radio. Việc được tham gia ban nhạc, tự tay gảy đàn, cùng hát với những người đồng cảnh ngộ đã mang lại cho em cảm giác rất thú vị. “Ban nhạc là nơi họp mặt của những người cùng cảnh ngộ, cùng sở thích. Nhờ nó mà chúng em có cơ hội bên nhau nhiều hơn để thấu hiểu và yêu thương nhau hơn”, Kim bộc bạch.

Người khởi xướng thành lập ban nhạc này là ông Trần Bá Quang, Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Ông Quang khiếm thị từ nhỏ. Sau khi nỗ lực học chơi một số loại nhạc cụ, ông thấy âm nhạc có thể giúp tinh thần thêm lạc quan, có thêm nghị lực để vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Ông đặt tên cho ban nhạc là Khát Vọng, thể hiện mong muốn của người khiếm thị được hòa nhập, cống hiến, được xã hội thừa nhận năng lực, tài năng và ước mơ có một tương lai tươi sáng hơn.

Theo ông Quang, ban đầu việc thành lập ban nhạc rất khó khăn do thiếu điều kiện, nhưng ý tưởng này đã chạm đến trái tim của nhiều người xung quanh. Những nhạc cụ hiện có như đàn guitar, organ, trống điện, saxophone, sáo trúc và loa sud, loa full, micro, mixer… phần lớn đều do nhà hảo tâm tặng.

Tham gia dạy đàn cho ban nhạc, nhạc sĩ Trương Thanh Bình cho hay phải chuẩn bị giáo án đặc biệt. Giáo viên phải dành nhiều thời gian hỗ trợ học viên nhận biết cấu tạo nhạc cụ, chuyển nốt nhạc thành ký tự Braille để học viên dễ học. Mọi thao tác phải lặp lại nhiều lần để các em ghi nhớ. “Dù tiến bộ chậm nhưng điều đáng trân quý ở những bạn trẻ này là rất chăm chỉ khổ luyện, quyết tâm và không bao giờ nói đến hai chữ bỏ cuộc”, ông Bình nói.

Theo ông Quang, ban nhạc đã góp phần giúp nhiều người sống cởi mở, tự tin hơn vào bản thân. Mục tiêu của các hội viên là cố gắng tập luyện để có thể tham gia giao lưu văn nghệ ở các nơi. Ngoài tân nhạc, ban nhạc cũng sẽ tiếp cận với các thể loại khác như cổ nhạc, nhạc ngũ âm.

“Vượt qua nghịch cảnh, các thành viên ban nhạc cảm thấy rất phấn khởi khi được biểu diễn văn nghệ trước cộng đồng. Bởi lẽ khi đó họ cảm thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa, bản thân đã làm được điều có ích cho xã hội theo cách riêng của mình”, ông Quang tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.