Như Thanh Niên đã đưa tin, trong văn bản của Hiệp hội truyền hình trả tiền VN (hiệp hội) gửi Bộ TT-TT cách đây ít ngày, hiệp hội mong muốn Bộ cần có những công cụ quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở VN nếu Facebook chính thức sở hữu gói bản quyền giải đấu này trên lãnh thổ VN 3 mùa tới. Hiệp hội đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến cáo Facebook thực thi đúng các quy định trong luật Cạnh tranh, xem xét ngăn chặn hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền. Giải đấu khi được phát sóng trên một số nền tảng tại VN phải được Việt hóa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bản quyền, hiệp hội đã đặt ra một chính sách pháp lý rất mới mà một số quy định chưa đủ sức nặng về nội dung để đưa ra hướng giải quyết. Ví dụ, nhà nước mới chỉ có các chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình mà Facebook chưa thể coi là loại hình dịch vụ truyền hình nên cũng chưa thể coi là đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của các văn bản có liên quan. Chia sẻ với Thanh Niên vào ngày 21.9, một số đài truyền hình thừa nhận đây là một khó khăn mà các đài sẽ phải đối mặt vì Facebook có quyền từ chối việc chia sẻ bản quyền.
tin liên quan
Nóng bỏng chuyện bản quyền Ngoại hạng Anh
Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa có cuộc làm việc với đại diện Faceboook tại khu vực Đông Nam Á. Còn hôm nay tại Đà Nẵng, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các đài truyền hình Việt Nam (VN) về vấn đề bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2019 - 2022.
Lãnh đạo một đài cho biết: “Thời gian đến mùa bóng sau còn khá dài nhưng với một cơ quan kinh doanh truyền hình thì mọi việc cần phải lên kế hoạch từ bây giờ. Nếu Facebook đã mua thành công thì chúng tôi rất muốn họ nghĩ tới số lượng khán giả VN vẫn xem bóng đá qua ti vi để có sự chia sẻ cho các đài. Còn nếu Facebook chưa sở hữu thì chúng tôi vẫn giữ phương án đề nghị K+ làm trưởng nhóm đàm phán cùng với 8 đơn vị truyền hình khác, làm việc trực tiếp với ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ TT-TT, nói: “Ở VN đã hình thành một thói quen là người dân được tiếp cận với tất cả sản phẩm truyền hình có giá trị lớn trong và ngoài nước, hoặc sẽ được xem miễn phí, xem một chút quảng cáo hoặc nếu có trả tiền thì cũng không trả nhiều. Kết quả cuối cùng là tạo cho xã hội nói chung có tâm lý những thứ xã hội quan tâm thì buộc phải xuất hiện trên sóng truyền hình. Vì vậy, sức ép và sự kỳ vọng của xã hội lên các hệ thống truyền hình miễn phí và trả tiền là rất lớn. Sức ép mỗi khi phục vụ khán giả chưa tốt như kỳ vọng của mọi người cũng là rất lớn. Những đơn vị nắm những bản quyền nội dung có giá trị lớn mà đặc biệt ở đây là thể thao, cũng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu luật hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay nên họ thừa hiểu tâm lý của thị trường ở các quốc gia nói chung sẽ diễn biến như thế nào”. Cũng chỉ vì những yếu tố này mà các cơ quan quản lý tại VN cần Facebook sớm đưa ra thông tin để cùng các bên có liên quan sớm có kế hoạch hành động”.
Bình luận (0)