Việt Nam có gia tài thơ ca thật đồ sộ với các thể thơ rất Việt là lục bát, song thất lục bát, hát nói. Đó là điều rất đáng tự hào của dân tộc ta, cần được gìn giữ và phát huy.
Ca có nghĩa là hát. Thơ ca tức là hát thơ. Ngâm, lẩy, đọc không có tiết tấu, nhịp điệu; còn hát có tiết tấu, nhịp điệu. Thơ Đường có thể ngâm, đọc; thơ Tây cũng chỉ có thể đọc. Thơ Việt, lục bát, song thất lục bát hay lục bát biến thể, hát nói của Việt Nam có thể hát với hàng trăm làn điệu dân ca, ca cổ ba miền. Cũng rất dễ hiểu vì hầu hết các làn điệu dân ca, ca cổ đều từ thơ mà ra.
Từ những thành tựu sáng tạo vô cùng phong phú hàng trăm, hàng ngàn làn điệu dân ca, ca cổ ba miền, ta đi ngược lại đem các vần thơ đã và sẽ sáng tác hát những làn điệu dân ca, ca cổ đã sẵn có. Thơ và nhạc Việt rõ ràng hòa quyện tự nhiên, vẫn giữ lời thơ, vần thơ qua dân ca, ca cổ, chứ không phải sáng tác thành ca khúc. Đó là nét độc đáo, rất hiếm có trên thế giới!
GS-TS Trần Văn Khê nhận xét rằng sẽ là sáng tạo tuyệt vời nếu hát thơ được quần chúng chấp nhận. Độc đáo hơn nữa, trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh học nhiều thơ đến thế, nhất là thơ truyền thống như ở nước ta.
Nếu tất cả các bài thơ mà học sinh phổ thông được học đều được nghiên cứu hát làn điệu nào cho phù hợp và làm thành đĩa để các thầy cô giáo môn văn minh họa sẽ giúp học sinh hứng thú học, cũng là dịp học sinh tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Nếu như các học sinh học, yêu thích thơ truyền thống hay có thể sáng tác thơ truyền thống thì như GS Hoàng Như Mai phát biểu trong buổi hát ca trù mừng thọ 90 tuổi GS Trần Văn Giàu, ca trù mới mong bảo tồn được.
Sau 10 năm khởi xướng đem hát thơ vào trường học mà vẫn chưa thấy ngành giáo dục, nhất là môn văn động tĩnh gì cả, nên vừa qua tôi đã đưa các nghệ sĩ hát thơ xuống hội chợ tết ở Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM với 6 buổi hát thơ: Vinh danh bếp Việt, Kiều, Lục Vân Tiên, Gia huấn ca, Chinh phụ ngâm, Quốc đạo, trích trong trường ca Gia đình quốc đạo hơn 6.000 câu lục bát của nhà thơ Mai Trinh và Hãn Nguyên Nguyễn Nhã. Không chỉ hát những vần thơ của các tác phẩm cổ điển mà còn những vần thơ mới sáng tác... Nghe hát thơ Quốc đạo với những làn điệu chầu văn, quan họ, cò lả, xẩm chợ hay quá, nhiều người muốn mua đĩa, song đã xuất bản đâu mà mua!
Chẳng nhẽ những nỗ lực giữ hồn dân tộc bằng hát thơ, di sản quý giá của người Việt được đánh động tại hội chợ như thế mà cứ gian nan mãi hay sao?
Chính những thể thơ như lục bát, song thất lục bát, hát nói cũng như hát thơ đã thể hiện nét độc đáo có một không hai về thơ của nhân loại và là bản sắc Việt vậy.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)
Bình luận (0)