Bạn thường ‘share’ hay đợi được bao khi đi ăn uống?

09/01/2018 14:32 GMT+7

Nhiều bạn trẻ cho biết họ thường share (chia đều số tiền phải trả) khi đi ăn uống cùng nhau, một số người còn lại khá e ngại vì cho rằng con trai là người nên trả tiền.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhiều bạn trẻ về câu chuyện thường ngày này.
“Ăn xong là tự động share”
Nguyễn Thu Ngân, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học Phương Đông, Hà Nội cho biết cô và các bạn thường tự động, sau khi ăn uống xong sẽ kêu tính tiền, sau đó rút điện thoại di động ra để chia đều số tiền cho tất cả mọi người.
“Tôi thích cách sòng phẳng như vậy, ít cũng chia mà nhiều cũng chia. Có như vậy lần sau khi rủ mọi người đi ăn đều không ngại. Nếu một người cứ 'bao' hoặc có người cố tình không trả, mình cũng không muốn rủ bạn đó đi ăn uống lần nữa”, Ngân nói.
Nguyễn Quỳnh Nhiên, 25 tuổi, nhân viên một công ty tại Q.3, TP.HCM, cho hay: “Share là nền tảng cho mọi mối quan hệ lâu dài và bền vững. Tôi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ nước ngoài và họ đều sòng phẳng trong chuyện chi tiêu, ăn uống. Gần đây, tôi thấy các bạn trẻ Sài Gòn cũng khá thoải mái trong việc 'share', mọi người đều nghĩ rằng 'share' là điều hiển nhiên, không có gì là kỳ cục và bị đánh giá là keo kiệt hay tính toán, chi ly gì ở đây”.
Nhiên cho biết, cô có những người bạn rất thân, họ yêu quý cô và thường trả tiền trước các bữa ăn khiến cô không có cơ hội để trả. Tuy nhiên, Nhiên thường tìm cách để tặng các món quà cho bạn, khi chiếc áo, khi đồ lưu niệm sau các chuyến công tác, để tất cả đều cảm thấy vui.
Sự rạch ròi trong chi tiêu khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn? Kiều Dương
Anh Trần Quốc Toàn, 35 tuổi, kinh doanh đồ thể thao, sống tại Q.8, TP.HCM kể các đấng mày râu như các anh, khi rủ nhau đi ăn cơm trưa, hay đi nhậu sau giờ làm, đều tự động “share”.
“Việc một người đứng ra 'bao' chỉ khi người đó mời mọi người nhân ngày sinh nhật hay ăn mừng lên chức, ăn mừng mua xe mới, mua nhà mới, còn lại, chúng tôi đều hiểu và rút bóp (ví) ra khi kết thúc bữa ăn. Nếu có việc về trước, tôi sẽ ước chừng số tiền mình cần trả và để lại, để anh em trả giúp. Chỉ có chia đều mới khiến tất cả mọi người đều thấy vui và sẽ còn nhiều dịp ngồi cùng với nhau lần nữa”, anh Toàn lên tiếng.
Con trai nên trả tiền khi hẹn hò?
Lê Nhật Minh, 24 tuổi, quê Thái Nguyên, sống ở Hà Nội 6 năm trước khi vào định cư tại TP.HCM cho hay anh thường là người trả tiền khi hẹn hò với bạn gái, bởi “điều đó khiến tôi thoải mái hơn, tôi có cảm giác đàn ông nên là người trả tiền, để bạn gái trả thấy kỳ cục”.
Anh Minh thừa nhận mình giữ thói quen đó từ ngày sống ở Hà Nội. “Bạn gái tôi là người TP.HCM, em ấy hay đề nghị trả tiền cơm tối, cà phê cho tôi, nhưng tôi vẫn giành phần trả về mình, tôi thấy không ái ngại gì cả”.
Trong khi đó, Nguyễn Diệp Anh, 26 tuổi, làm việc tại một công ty tư vấn luật tại Hải Phòng cho biết bạn trai cô thường là người trả tiền trong những buổi hẹn hò đầu tiên. Khi mà hai người yêu nhau lâu hơn, Diệp Anh chủ động “share”.
“Nếu anh ấy trả tiền vé xem phim, thì tôi mua cà phê cho cả hai. Anh ấy mua trà sữa thì tôi sẽ mua đồ ăn tối. Tôi thấy như thế sẽ thoải mái hơn là tiêu tiền của bạn trai suốt. Tuy nhiên, tôi cũng nói thẳng, nhiều bạn gái của tôi thường để bạn trai trả, họ nghĩ đàn ông nên là người 'chịu chi'”, Diệp Anh nói.
“Tôi không thích kiểu bạn trai là người trả tiền suốt trong mọi cuộc hẹn. Có thể hôm nay anh trả, ngày mai em trả thì tốt hơn. Nếu xác định yêu nhau lâu dài và tiến tới hôn nhân thì nên tôn trọng thu nhập của nhau ngay từ đầu, cả hai cùng phải đi làm, kiếm tiền mà”, Ngọc Sơn, 25 tuổi, sống ở Q.5, TP.HCM thẳng thắn.
Ngọc Sơn cũng kể câu chuyện khiến anh thấy bức xúc: “Tôi có nhiều bạn bè, họ không dám xem hay cộng lại hóa đơn khi chủ quán mang ra, sợ mang tiếng với bạn gái là người tính toán. Họ luôn là người trả tiền. Sau đó, chính họ là người cảm thấy khó chịu, khi bị tính tiền đắt và chưa hết tháng đã tiêu hết tiền vì hẹn hò. Tôi nghĩ, cuộc sống hiện đại, việc tiền bạc cũng cần rạch ròi để tất cả đều thấy dễ chịu về sau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.