Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng

Như Lịch
Như Lịch
13/04/2019 13:21 GMT+7

'Bán vé số thu nhập 100 triệu đồng/tháng'. Tôi dị ứng với những ‘thánh phán’ khi họ 'chém gió' như vậy khi tôi trải nghiệm đi bán vé số.

Trong thời gian tham gia bán vé số dạo để viết phóng sự Vé số đây! (đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 25- 30.3), một trong những kỷ niệm lưu dấu trong tôi là lần được khách hàng cho 2.000 đồng.
Được cho 2.000 đồng, vui chi lạ!
Đêm 20.3, tôi bán vé số trước siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa (P.12, Q.3, TP.HCM). Khi tôi chìa xấp vé số kèm lời mời: “Mua dùm em tờ vé số ạ”, nhóm bốn phụ nữ ngồi ở ghế đá đang tán gẫu đều đồng loạt… lắc đầu. Một cô trẻ nhất thanh minh: “Hồi nãy đã mua mấy tờ rồi”.
PV Báo Thanh Niên bán vé số ở những quán nhậu ban đêm tại Q.3, TP.HCM Ảnh: B.A
Tôi không biết nói gì thêm, đành đáp “Dạ” và quày quả bước đi. Có thể nhìn mặt tôi phờ phạc tội nghiệp, cũng có thể nghe câu trả lời lịch sự chăng (?) nên cô trẻ nhất kêu lại, mua một tờ vé số rồi đưa tôi 12.000 đồng. Thấy tôi định trả 2.000 đồng tiền dư, cô gái tươi cười: “Có chút xíu, chị cầm cho vui”.
Đang ế ẩm, có người mua ủng hộ, tôi phấn chấn lên. Và lần đầu tiên được khách cho 2.000 đồng kèm thái độ nhã nhặn, tôi cũng lâng lâng. Mình không hề xin xỏ, bỗng có người tự nguyện cho thêm vài ngàn đồng với lời động viên “nhận cho vui”, thì mình cứ vui chứ câu nệ gì!
PV Báo Thanh Niên bán vé số ở Q.Bình Thạnh Ảnh: Trác Rin
trải nghiệm bán vé số dạo, tôi càng dị ứng với những “thánh phán” khi họ chém gió rằng: “Người tàn tật đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ, thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng!”; “Tâm lý lười lao động là lý do khiến nhiều người trẻ không chịu tìm cho mình một cái nghề để kiếm tiền mà tìm đến sổ xố như một công việc nhàn nhã”… Bán vé số mà nhàn nhã, thu nhập cao ngất ngưỡng ư?!
Thực tế, người bán vé số dạo chân chính phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm tiền, vì mỗi tờ bán được họ chỉ lời 1.000 đồng -1.200 đồng. Họ ăn uống kham khổ, tằn tiện để trang trải cuộc sống, nuôi con hoặc phụ giúp gia đình.
Trải nghiệm bán vé số dạo
Trong thời tiết oi bức như những ngày này, một số “đồng nghiệp” bán vé số của tôi lại bị say nắng, cảm cúm. Mới đây, chị Trịnh Lan Anh (quê Thanh Hóa, ở trọ P.10, Q.3, TP.HCM) bị kiệt sức, ngất xỉu khi đi bán vé số. Chị suýt làm rớt đứa con gái 9 tháng tuổi ẵm theo, may mà một người dân đỡ kịp. Đi bán cả ngày lẫn đêm, chị Lan Anh mới có thể kiếm được 150 - 200.000 đồng. Số tiền gom góp phải chia năm xẻ bảy để trả trọ, điện nước, tã sữa…, mấy hôm nay còn gánh thêm khoản thuốc thang cho hai mẹ con.
Cụ ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11) dành dụm hai triệu đồng từ việc bán vé số dạo để tặng mẹ con chị Lan Anh Ảnh: Như Lịch
Từ loạt bài Vé số đây!, nhiều độc giả bức xúc đặt vấn đề về sự chăm lo của các công ty xổ số đối với lực lượng bán vé số dạo, nhất là với những người đặc biệt khó khăn (Báo Thanh Niên ngày 9.4 có bài Phản hồi từ loạt phóng sự Vé số đây!: Công ty xổ số có quan tâm người bán vé số dạo?).
Một số độc giả trực tiếp đến thăm, trao tiền, tạo việc làm thêm cho những hoàn cảnh đáng thương trong loạt bài. Chiều 12.4, cụ ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11) đã dành dụm 2 triệu đồng từ việc lặn lội bán vé số dạo để tặng cho người bán vé số khốn khó hơn.
Riêng tôi, tôi vẫn cất giữ 2.000 đồng khách hàng cho mình. Nó khiến tôi chùn tay mỗi khi có ý định tiêu xài hoang phí. Nó nhắc nhớ tôi về những ngày lang thang bán vé số nhọc nhằn, về những “đồng nghiệp” chịu thương chịu khó, nhẫn nại vô biên…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.