Ông Thượng vốn được biết đến như một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ. Ông đồng thời cũng là một họa sĩ với thẩm mỹ riêng. Nhà tổ chức cho biết triển lãm gồm các tác phẩm giấy dó 60 x 120 cm. Tranh mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong.
Tác phẩm Nàng ấy, màu tự nhiên trên giấy dó - tranh Phan Cẩm Thượng |
Nhưng triển lãm của ông Thượng dường như đã thu hút trước cả khi mở cửa. Trước ngày khai mạc, ông và đơn vị triển lãm cho biết sẽ bán vé với giá 100.000 đồng/người vào xem. “Triển lãm này giới hạn đón tiếp dưới 10 người/lượt, để đảm bảo sự chú tâm và yên tĩnh trong không gian trưng bày. Khách tham quan vui lòng đăng ký trước để được ưu tiên mua vé tại cửa”, thông báo cho biết. Giám tuyển triển lãm cho hay không gian triển lãm không lớn, tranh của ông Thượng cũng cần không gian để công chúng có thể thưởng thức trọn vẹn. Điều này đã chia rẽ công chúng. Một bên cho rằng triển lãm mỹ thuật đã ít người xem, càng bán vé càng ít người xem. Bên còn lại cho rằng việc mua vé thể hiện mong muốn tiếp cận tác phẩm của người mua.
Ông Thượng không phải họa sĩ đầu tiên bán vé xem triển lãm. Hồi năm 2015, họa sĩ Lê Kinh Tài cùng họa sĩ Nguyễn Quang Vinh và nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn đã bán vé triển lãm tại TP.HCM. Theo đó, vé vào cửa tối khai mạc triển lãm Filter - Nghệ thuật đương đại VN có giá 3,6 triệu đồng/cặp. Những ngày tiếp theo, giá vé là 250.000 đồng/vé và có giảm giá cho học sinh, sinh viên. Các tác giả đều bán ra 150 vé mỗi người. Ban tổ chức cũng phát hành vé. Tại thời điểm đó, giá vé như vậy cao hơn vé xem phim, biểu diễn thường chỉ trên dưới 100.000 đồng. Cho dù tiền bán vé được dùng làm từ thiện, Filter - Nghệ thuật đương đại VN đã đặt mốc cho việc bán vé xem triển lãm mỹ thuật.
Về điều này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho biết cá nhân ông sẵn sàng mua vé để xem tranh của ông Thượng. Ông cũng cho rằng nếu họa sĩ bỏ tiền thực hiện triển lãm, họ hoàn toàn có quyền quyết định việc có bán vé hay không, bán vé với giá bao nhiêu. Đây dường như là một “rào kỹ thuật” để lọc ra những người muốn xem tranh. “Có những triển lãm láo nháo quá đông, có người đến chỉ cho có và chẳng quan tâm mấy đến tác phẩm. Những người như thế không đi xem tranh cũng được”, ông Long nói.
Mặc dù vậy, khi ông Long nói đến quyền bán vé, ông Thượng thực hiện quyền bán vé, thì công chúng cũng có quyền từ chối mua vé. Họ sẽ chỉ xem những tác giả mà họ cho là xứng đáng. Thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng trưng bày, giới thiệu tác phẩm cũng sẽ tăng lên. Công chúng cũng có quyền đòi hỏi tour nghệ thuật đó phải có người dẫn dắt, giới thiệu tốt. Điều này, hiện tại, nhiều trưng bày chưa thể thực hiện được.
Bình luận (0)