Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, gian dối, xảo quyệt cùng sự “giúp sức” của các cán bộ ngân hàng, nữ quái "siêu lừa" Bùi Thị Anh Thư (39 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt) chiếm đoạt của 3 bị hại gần 62 tỉ đồng.
|
Dùng "sổ tiết kiệm ảo" để mua nhà đất
Sau hơn 4 năm vụ án bị phanh phui, phiên tòa sơ thẩm xét xử “siêu lừa” Bùi Thị Anh Thư và các cán bộ Ngân hàng BIDV mới đây được đưa ra xét xử, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Ngoài bị cáo Thư là “nhân vật chính”, tại phiên tòa còn có các bị cáo Đàm Văn Chung (33 tuổi, ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội); Phạm Thế Long (39 tuổi, nguyên Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội) và Nguyễn Thị Bích Hạnh (47 tuổi, nguyên Phó phòng quan hệ khách hàng Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ). Các bị cáo này bị đưa ra xét xử về tội danh “giả mạo trong công tác”.
|
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, cuối năm 2015 Bùi Thị Anh Thư, thỏa thuận mua nhà và đất của bà Ngô Phương Anh tại số 261 Phan Đình Phùng, P.2 (Đà Lạt) với giá 36 tỉ đồng. Do không có tiền nên Thư này sinh ý định lừa đảo. Thư liên hệ và thuê Đàm Văn Chung làm cho Thư sổ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỉ đồng đứng tên Thư. Bằng các “thủ thuật” của mình, hai cán bộ ngân hàng Long và Hạnh đang công tác tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, Phòng giao dịch D2 Giảng Võ (Hà Nội) đã phát hành cho Thư sổ tiết kiệm 30 tỉ đồng vào ngày 21.1.2016 (có kỳ hạn 3 tháng), nhưng sau đó phong tỏa ngay, thực chất không có tiền trong tài khoản. Sau đó, “siêu lừa” Anh Thư đem sổ tiết kiệm này đến thanh toán tiền nhà với bà Phương Anh và xác nhận tại phòng công chứng Thư còn nợ bà Anh 6 tỉ đồng.
Đến kỳ hạn 3 tháng, sợ bị phát hiện, Thư tiếp tục nhờ Chung làm sổ tiết kiệm ghi số tiền 32 tỉ đồng đứng tên bà Ngô Phương Anh. Sau đó Thư có trả cho bà Anh nhiều đợt được 5,63 tỉ đồng tiền mặt. Do không biết sổ tiết kiệm ảo nên bà Anh giao tài sản cùng toàn bộ giấy tờ gốc nhà đất số 261 Phan Đình Phùng cho Thư làm thủ tục sang tên.
Đến ngày 8.7.2016 bà Anh phát hiện sổ tiết kiệm của bà ghi 32 tỉ đồng nhưng đã bị rút hết tiền. Lúc này Thư cam kết sẽ trả cho bà Anh 32 tỉ đồng và đưa cho bà Anh 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP.Đà Lạt cấp tháng 6.2003, nhưng bà Anh không hề biết 4 giấy chứng nhận này đã bị UBND TP.Đà Lạt thu hồi từ năm 2013.
|
Khi biết mình bị lừa, ngày 21.9.2016 và ngày 25.10.2016 bà Ngô Phương Anh làm đơn tố cáo Bùi Thị Anh Thư và các cán bộ ngân hàng nói trên lừa đảo chiếm đoạt của bà 32 tỉ đồng. Sau khi vào cuộc điều tra, đầu tháng 1.2018 Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố bị can và bắt tạm giam “siêu lừa” Anh Thư để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Siêu lừa" tiếp tục lừa người khác
Theo cáo trạng, “siêu lừa” Anh Thư không chỉ lừa bà Anh, mà còn dùng tài sản nhà đất 261 Phan Đình Phùng để lừa đảo, thế chấp vay mượn và chiếm đoạt của ông V.M (Q.9, TP.HCM) 27 tỉ đồng. Sau đó Thư còn bán nhà đất 261 Phan Đình Phùng cho ông Đ.N (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với giá 54 tỉ đồng, Thư đã nhân cọc 5 tỉ đồng. Theo cáo trạng, tổng số tiền mà “siêu lừa” Anh Thư lừa đảo chiếm đoạt của 3 nạn nhân lên đến gần 62 tỉ đồng.
Sau hơn 4 năm chờ đợi, ngày 23 - 24.11, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa xét xử nữ quái “siêu lừa” được diễn ra với 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bị hại; riêng Thư có 5 luật sư và Ngân hàng BIDV 5 luật sư...
|
Tại phiên tòa, dù lừa đảo như cáo trạng đã nêu, nhưng “nữ quái” Anh Thư tiếp tục chối tội, không chịu thừa nhận hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù được người bị hại là bà Phương Anh xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng HĐXX khẳng định không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho “siêu lừa" này vì đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng.
Sau 2 ngày xét xử, đến gần 21 giờ ngày 24.11 phiên tòa mới kết thúc, HĐXX tuyên phạt “siêu lừa” Bùi Thị Anh Thư 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là 23 năm tù. Đồng thời tòa tuyên buộc trả lại tài sản là nhà đất 216 Phan Đình Phùng cho bà Ngô Phương Anh.
Còn các cán bộ ngân hàng “giúp sức” cho Thư, HĐXX nhận định, vì động cơ cá nhân và vụ lợi nên Long, Hạnh và Chung đã làm 2 sổ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỉ đồng và 32 tỉ đồng không có giá trị sử dụng cho Thư thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản, nên hành vi này của các bị cáo là rất nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, các bị cáo Chung, Long và Hạnh ăn năn hối lỗi và có nhân thân tốt nên bị tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù và cho hưởng án treo cùng với 5 năm thử thách về tội “giả mạo trong công tác” nhằm giúp cho "siêu lừa" Anh Thư lừa đảo chiếm đoạt gần 62 tỉ đồng.
Bình luận (0)