Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 2: Những người Mỹ ở Tân Trào

31/08/2014 09:00 GMT+7

Trong đoàn quân Việt Minh từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên tháng 8.1945, có một nhóm sĩ quan Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận như những người bạn cùng chiến tuyến chống phát xít Nhật và có thể góp sức hỗ trợ VN giành độc lập.

Trong đoàn quân Việt Minh từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên tháng 8.1945, có một nhóm sĩ quan Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận như những người bạn cùng chiến tuyến chống phát xít Nhật và có thể góp sức hỗ trợ VN giành độc lập.

Allison Thomas
Chỉ huy Đội Con Nai, Allison Thomas (x) và những người lính Việt Minh ngày 20.8.1945 trước khi tấn công vào Thái Nguyên - Ảnh: T.L

Trung tuần tháng 2.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó đi Côn Minh (Trung Quốc) với mục tiêu tranh thủ sự giúp đỡ của phe Đồng minh thông qua tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14 của Mỹ tại Hoa Nam. Theo thượng tướng Phùng Thế Tài, người tháp tùng Bác, trong cuộc gặp với tướng Chennault, Bác thăm hỏi sức khỏe của trung úy Shaw (1) và kể lại những câu chuyện về thời gian Shaw ở vùng giải phóng của Việt Minh. Tướng Chennault tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Minh và của Bác đối với phi công Mỹ. Bác nói: “Tuy chưa được các ngài công nhận nhưng chúng tôi từ lâu vẫn xác định đứng về phe Đồng minh để chống phát xít Nhật”.

Sau khi biết đã thu phục được tướng Chennault về mặt tình cảm, Bác bắt đầu thực hiện mục đích quan trọng nhất của chuyến đi là đề nghị được giúp đỡ vũ khí, thuốc men. Phía Mỹ chấp thuận sẽ cung cấp vũ khí và chuyên gia huấn luyện qua đường thả dù; tuy nhiên yêu cầu Việt Minh phải có kế hoạch tỉ mỉ, tránh sơ suất do thời điểm đó quân Nhật trên thực tế đang kiểm soát vùng trời miền Bắc VN. Ngay sau đó, Bác lên đường về nước do tình hình đang có những chuyển biến nhanh chóng. Trước đó vào 9.3, Nhật đảo chính Pháp, sự kiện mang tính chất bước ngoặt, đồng thời là cơ hội cho cách mạng VN.

Theo đại tá Trần Trọng Trung, cuối tháng 4.1945 khi Bác về đến Cao Bằng, cuộc khởi nghĩa từng phần giành chính quyền địa phương đang diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng rừng núi thượng du Bắc kỳ. Dừng chân ở Pác Bó một tuần, ngày 4.5, Bác cùng phái đoàn khoảng 20 người lên đường đi về phía nam theo hành lang chính trị quần chúng mà các đội nam tiến đã vạch ra từ trước. Đi cùng Bác lúc này có hai báo vụ viên người Mỹ gốc Hoa là Frank Tann và Mac Shin, thành viên của OSS được cử theo Bác để giữ liên lạc với đại diện Đồng minh tại Côn Minh.

Đầu tháng 6.1945, Bác thông báo cho phía Mỹ biết rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở vùng Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên). Nửa tháng sau, Côn Minh thông báo sẽ thả dù một nhóm người Mỹ xuống địa phận Tuyên Quang, yêu cầu Việt Minh chuẩn bị tiếp nhận. Bác đã đích thân dẫn một số cán bộ đến Lũng Cò (xã Thanh La, Minh Khai) để khảo sát địa hình xây dựng một sân bay dã chiến.

Ngày 17.7.1945 đúng giờ quy định, một số cán bộ và chiến sĩ lên mấy ngọn núi chung quanh, đốt khói làm tín hiệu cho máy bay. Một tấm vải trắng rất lớn được trải thành hình chữ T dọc theo chiều dài của cánh đồng trước làng Tân Trào. Khoảng 4 giờ chiều, máy bay xuất hiện rồi những chiếc dù chở hàng rơi theo chiều dài của tấm vải tín hiệu. Người nhảy dù đầu tiên bị mắc lên tán cây đa Tân Trào và phải mất chừng nửa giờ mới đưa được xuống đất. Đó là thiếu tá Allison Thomas, phụ trách nhóm OSS mang tên Đội Con Nai được cử đến hỗ trợ lực lượng Việt Minh.

Thiếu tá Thomas được ông Võ Nguyên Giáp đưa lên Nà Lừa tiếp kiến Bác. Bác chào mừng sự có mặt của những quân nhân Đồng minh và trình bày về mục tiêu chiến đấu của Việt Minh, địa bàn và phương thức hoạt động của Đội Con Nai. Khi được biết trong nhóm có một trung úy người Pháp là Montfort, nhân viên của Mission 5 (Cơ quan Tình báo Pháp ở Hoa Nam), Bác đã đề nghị không thể để cho Montfort hay bất kỳ sĩ quan Pháp nào hoạt động trong Đội Con Nai và yêu cầu cho sĩ quan này trở lại Côn Minh.

Trong cuốn hồi ký “Tại sao VN?”, L.A.Patti, người chỉ huy cao nhất của OSS có mặt ở VN ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã cho biết ngay từ buổi đầu tiếp xúc với những người Mỹ, bằng cách giới thiệu chương trình 10 điểm nổi tiếng của Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “có cơ hội đầu tiên bộc lộ điều mơ ước của mình khiến cho 5 nhân viên Mỹ và các người khác trong Đội Con Nai hết sức xúc động ...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân cơ hội có mặt của Thomas và Đội Con Nai để thông qua người Mỹ mà liên lạc với đại diện Pháp ở Hoa Nam. Thông điệp được gửi đi là Việt Minh sẵn sàng nói chuyện với đại diện của Pháp để biết những gì người Pháp đề xuất, đặc biệt là về bản tuyên bố (24.3.1945) của Tổng thống De Gaulle vốn còn có một số điểm không rõ ràng. Tuy nhiên, phía Pháp đã tiếp nhận những thông điệp này một cách khá lạnh nhạt.

Ngày 25.7, Bác tiếp tục nhờ người Mỹ báo cho Pháp biết đã sẵn sàng nói chuyện với đại diện chính phủ De Gaulle tại Côn Minh hoặc ở một địa điểm nào đó tại Bắc kỳ. Bác cũng gửi cho chính phủ Pháp một bản đề nghị 5 điểm về tương lai VN, trong đó điểm 2 ghi rõ: “Nền độc lập của VN phải được ban bố trong vòng ít nhất là 5 năm nhưng không được quá 10 năm”.

Theo Patti, cả hai bản đề nghị gặp gỡ dựa vào những cơ sở nghiêm chỉnh nói trên cũng chỉ là những dự định đầu tiên của người VN trong nhiều lần thương thuyết với người Pháp. Nhưng rõ ràng là sự không khoan nhượng của Pháp đã làm cho mọi dự định muốn thương lượng trở thành không có hiệu quả.

Theo kế hoạch đã thống nhất với Đội Con Nai, Bác chỉ thị tuyển chọn 200 chiến sĩ quân giải phóng, tổ chức thành một đơn vị mà hồi đó thường gọi là “Bộ đội Việt - Mỹ”, do ông Đàm Quang Trung làm đội trưởng, Thomas làm tham mưu trưởng và bắt đầu huấn luyện vào đầu 8.1945. Nội dung huấn luyện chủ yếu là cách dùng các loại vũ khí do Mỹ thả dù xuống, như súng cạc bin, súng M.A.S., tiểu liên thompson, bazoka, súng cối, lựu đạn...

Ngày 14.8.1945, lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16.8.1945, những người Mỹ trong Đội Con Nai dưới sự chỉ huy của Thomas đã sát cánh cùng đội quân Việt Minh do vị chỉ huy Võ Nguyên Giáp rời Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Trường Sơn

(1) Phi công Mỹ từng phải hạ cánh xuống Cao Bằng vào 2.11.1944 trong một chuyến bay trinh sát. Shaw sau đó được Việt Minh cứu thoát và hộ tống đến biên giới Việt - Trung. Sau khi Shaw trở về Mỹ, trong một báo cáo gửi cấp trên, tướng Chennault đã khẳng định “sự an toàn của Shaw là nhờ một tổ chức bản xứ tên là Đông Dương độc lập hội”. Chennault cũng bày tỏ ủng hộ việc “duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ tổ chức nào tại Đông Dương giúp đỡ một cách hiệu quả việc giải thoát lính Mỹ, có thể yêu cầu sự trợ giúp tại nước đó, bất chấp thái độ chính trị của họ”.

>> Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 6: Ông bác sĩ cộng sản “tương kế tựu kế”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.