Người ta hay gọi một cách bình dân cái chất giọng tenor cao vút của Bằng Kiều là giọng “mái”. Nếu đem so sánh với giọng hát đầy kỹ thuật ấy, rõ ràng lời ăn tiếng nói của Bằng Kiều là một trạng thái đối ngược hoàn toàn, vô cùng đơn giản và dĩ nhiên là, không chút gì “mái” cả. Mà đàn ông, cứ đơn giản thế có khi lại không ổn với suy nghĩ vốn được lập trình rất phức tạp của đàn bà.
|
Thật, tôi không hoang tưởng
* Anh “Sơn đẹp trai”, lần đầu đóng phim, anh cảm thấy thế nào?
- Thích chứ. Nếu âm nhạc tôi được là chính mình thì đóng phim tôi được thể hiện một con người khác. Phim Sơn đẹp trai là một phim hài nhẹ nhàng thôi, kiểu hài lịch sự, không đao to búa lớn gì cả nên đừng mang tâm trạng đi xem một “tác phẩm” mà hãy coi như là đi giải trí.
* Về sự nghiệp âm nhạc, anh còn đặt kỳ vọng gì nữa không?
- Tôi thì không có kỳ vọng gì hết. Đối với tôi, âm nhạc là đời sống và làm ra những sản phẩm âm nhạc là lao động. Tiếp cận khán giả, giữ được tình cảm lâu bền để người ta nghe mình mà không chán đã là thử thách rồi. Kỳ vọng gì đấy xa xôi hay mong mình trở thành thế này thế kia, thật, tôi không hoang tưởng.
* Chẳng phải là đôi lúc người nghệ sĩ cũng cần đặt bản thân mình lên trên khán giả một chút ạ?
- Không, mỗi người một suy nghĩ khác nhau. Tôi chỉ nghĩ làm sao mang lại cho khán giả những gì tốt nhất trong khả năng mình. Hồi còn trẻ hơn tôi cũng đã như vậy. Tôi là người đơn giản, không tham vọng hay ôm đồm vì tôi tin vào sự sắp xếp của ông trời. Nhiều người bảo sao tôi có nhiều khả năng mà tôi không tận dụng. Tôi quan niệm rất rõ ràng, ông trời cho tôi khả năng tốt nhất là hát thì tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất việc hát, còn những việc khác nếu có thời gian thì làm cho vui. Nhưng tôi vẫn ý thức những việc làm cho vui ấy không phải là việc của tôi. Xung quanh mình có nhiều người được sắp xếp ở vị trí đó rồi.
* Nghe cũng khó tin, không tham vọng mà bỗng dưng tên tuổi anh lại được đặt ở một hàng ngũ khác, nói sao nhỉ, chung chiếu với những người được gọi là diva divo...
- Là khán giả họ xếp. Đến bây giờ có thể gọi là có chút kinh nghiệm sống, tôi thấy tất cả tính toán của con người đều tào lao. Như đã nói, mỗi người một công việc, mỗi người một sứ mệnh, mỗi người một vị trí... Có muốn cũng không được, mà không muốn cũng không xong. Giả như ngày xưa, nếu tôi cố tình làm ca sĩ thì khi học trường nhạc, tôi phải học hát cho đỡ tốn công sức, tốn thời gian. Tôi lại đi học nhạc cụ, và học cái khó nhất là kèn bassoon, loại kèn chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Chính ra bây giờ tôi phải ngồi trong dàn nhạc giao hưởng. Lúc học, mình chỉ mơ ước sau này thành một nhạc công giỏi, rồi chơi cho một dàn nhạc châu Á, kiểu vậy. Nhưng khi mình làm việc để kiếm sống, lập ra ban nhạc để chơi và thỏa mãn cái sở thích thời sinh viên, tự nhiên mình gắn liền với hát. Cuộc đời mình lúc ấy rẽ sang hướng khác, mình đâu tính được.
* Tới thời điểm này, cuộc đời anh có bao nhiêu lần được gọi là rẽ hướng rồi?
- Trước hết là vào trường nhạc. Năm 1997, tôi song ca với Mỹ Linh bản Trái tim không ngủ yên, lần đầu tiên xuất hiện ở chương trình Làn sóng xanh. Lúc đó mình nổi tiếng mà mình cũng không biết. Thời ấy, tôi, Mỹ Linh, Lam Trường, Phương Thanh đều rất tự nhiên. Được khán giả đón nhận là cái mình không ngờ. Đến giờ thì có lẽ đời sống đã khác hơn, về cả âm nhạc và thị trường, cho nên chắc người ta cần tính toán. Tôi thì luôn nghĩ mọi thứ đều có sự sắp xếp. Rồi năm 2003, tôi qua Mỹ, lại là một cột mốc. Đến năm 2012, tôi về VN làm live show đầu tiên.
Phụ nữ, họ không bao giờ chịu thiệt hết
* Kể về cuộc sống hiện tại của anh đi!
- Không có gì ghê gớm cả. Đi hát, chơi với con, ở nhà... Con tôi ở với mẹ nhưng ngoài giờ học là tôi lại tới đón bọn trẻ về nhà chơi. Đời sống của tôi bên Mỹ ở nhà là chính.
* Được đón nhận sau khi về nước hát chưa bao lâu, anh có nghĩ, hôn nhân tan vỡ và những gì đang diễn ra ở đời sống cá nhân khiến anh bị mất khá nhiều thiện cảm trong mắt khán giả không?
- Cũng có thể. Bởi vì người ta hay lẫn lộn công việc với đời sống. Tôi chấp nhận thôi. Mà đã chấp nhận rồi thì nên coi nó nhẹ nhàng.
* Coi nó nhẹ nhàng kể cả khi mình bị mất đi một hình ảnh, thí dụ nhé, là đẹp, trong mắt họ?
- Tôi nghĩ, do người ta không hiểu hoặc chưa hiểu.
* Thế anh có ý định làm cho họ hiểu?
- Không, tôi không có ý định đó. Tại vì khi người ta đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu thì mình có gào thét lên cũng vậy. Đời sống nói dài là dài nhưng nói ngắn cũng rất ngắn. Nếu cứ quan tâm đến những việc này nhiều quá thì mình sẽ không biết cuộc sống của mình có thật sự là của mình hay không nữa. Tôi tâm niệm, trước tiên mình phải làm một người tử tế và luôn cố gắng làm người tử tế. Tôi có nguyên tắc cơ bản về sự tử tế. Thứ nhất là đối với nghề, mình phải yêu nghề, hết mình. Kiểu một số ca sĩ thích gây scandal, mượn cái này cái kia làm công cụ, bàn đạp..., tôi cho nó là không tử tế. Thứ hai là đối với bạn bè, mình phải chân thành. Một người tôi đã gọi là bạn thì tôi sẽ hết lòng dù thế nào đi chăng nữa. Tôi nhìn cái tốt của bạn chứ không nhìn cái xấu. Chính vì thế mà bạn bè tôi toàn là bạn lâu năm. Thứ ba là đối với gia đình, mình phải mang tới những điều tốt đẹp. Nếu mang tới được những điều tốt đẹp thì hãy mang, còn không thì thôi.
* Anh không có ý định làm người ta hiểu thì thôi vậy, là lựa chọn của anh, nhưng lỡ trong câu chuyện này, người chịu điều tiếng hơn là Dương Mỹ Linh thì sao?
- Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đấy có thể gọi là oan ức, nhưng quan trọng mình có thấy oan ức hay không thôi. Người ta bảo Linh là người thứ ba phá vỡ gia đình tôi, song bản thân Linh không thấy thế, vì Linh biết sự thật không phải vậy, thì tại sao lại lấy chuyện người ta đơm đặt để làm khổ mình.
* Ai bảo, người ta cứ thấy gần như anh nghệ sĩ nào trở về VN cũng đổ vỡ hôn nhân. Tôi đọc trên mạng, thấy người ta chỉ trích Dương Mỹ Linh nhiều...
- Tôi đổ vỡ trước khi về chứ đâu phải về mới đổ vỡ. Linh thì, Linh hiểu vấn đề nó không phải như người ta nghĩ. Những người có ác cảm với Linh, tôi nghĩ, chín mươi phần trăm là những cô thất bại trong hôn nhân, xong rồi họ muốn tìm một thứ mà họ nghĩ là giống hoàn cảnh mình để trút lên.
* Nhìn ở góc độ khác nhé, dù sao thì, nhẹ nhất người ta sẽ nghĩ rằng anh khá vô tâm. Mà cũng dễ thuyết phục lắm, hôn nhân tan vỡ chưa bao lâu, anh đã có người đàn bà khác bên cạnh...
- À, là người ta nghĩ. Bạn xem xét thử, kẻ nào vô tâm mà lo cho con mỗi ngày như vậy. Hoặc người ta không thấy, hoặc người ta cố tình không thấy, chứ đánh giá một người đàn ông luôn biết lo cho con, khi gia đình đổ vỡ, làm gì thì làm cố gắng hết sức mang lại điều tốt đẹp nhất cho con, nếu bạn là người khách quan, tôi chưa đòi hỏi sâu sắc nhé, bạn sẽ hiểu ngay người đàn ông ấy là kiểu người gì. Nhưng dư luận thì khác, họ thấy một người bỏ vợ là họ quay sang chỉ trích ngay, không cần xem xét những cái khác nữa. Mà họ cũng chẳng biết chắc là người đó có bỏ vợ không, hay lại bị vợ bỏ...
Thực ra, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ nói rằng, tôi có bỏ vợ đâu, là vợ bỏ tôi ấy chứ. Tôi không việc gì phải giải thích cả.
* Dẫu sao thì, nghệ sĩ mà, những chuyện thế này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hình tượng của anh, và cả của Dương Mỹ Linh, đúng không?
- Không phải không quan tâm, nhưng tôi nghĩ rằng, khi người ta đã lỡ có thành kiến rồi, những cái khác không còn quan trọng nữa. Trong đời sống, mình sẽ gặp rất nhiều người mình thấy ghét, mà đã ghét rồi thì người ta có làm gì mình cũng thấy ngứa mắt. Hay một khi đã thương, người ta có bò ra đường mình vẫn thấy thương. Đây là văn hóa nước mình. Ở nước ngoài khác lắm. Báo lá cải vẫn đăng chuyện ngôi sao nghiện ngập này kia nhưng không ảnh hưởng gì cả, vì quan trọng nhất là sản phẩm họ mang lại, chuyện đời tư có biết là biết vậy thôi. Ở VN, tôi thấy thường là từ ác ý. Tôi từng đọc được đâu đó trong một cuốn sách của một nhà văn VN đại ý rằng, có những người thường lấy thành công của kẻ khác làm thất bại của mình.
* Trong chuyện của anh, anh nghĩ, cái “thành công” người ta soi vào để thấy thất bại là gì?
- Tôi có nói, có thể là chuyện những người đàn bà bị chồng bỏ, ruồng rẫy, phải nuôi con một mình... họ lồng lộn lên khi thấy một gã đàn ông ly dị vợ một cái là có người trẻ đẹp khác ngay. Đấy, đấy là thành công, và là thất bại của họ. Vậy thôi. Người ta sẽ chẳng biết tôi bị vợ bỏ hay tôi bỏ vợ. Người ta cũng sẽ chẳng biết là tôi có trách nhiệm nuôi vợ nuôi con sau chia tay không. Hoặc là họ biết, nhưng họ lơ luôn vì đã lỡ thành kiến rồi. Ở Mỹ, đàn ông luôn là người chịu thiệt về vật chất lẫn tinh thần trong chuyện ly dị. Đừng nghĩ phụ nữ ở Mỹ chịu thiệt. Phụ nữ, họ không bao giờ chịu thiệt hết, và họ sẽ chiến đấu đến cùng để không bị chịu thiệt.
Cuộc sống ai cũng có kẻ yêu người ghét. Nghĩ một cách đơn giản là, tôi sống cho tôi và những người tôi yêu thương. Bận tâm quá chỉ tội làm khổ mình.
* Cám ơn anh đã chia sẻ!
Bình luận (0)