Bangkok, một đô thị náo nhiệt với 10 triệu dân, bị Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xếp vào hàng những thành phố bị lũ lụt đe dọa khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm tới. Người dân đang phải đối mặt với mưa lớn, lũ lụt từ phía bắc và thủy triều dâng cao ở phía nam. Mực nước biển ngày càng dâng cao trong khi đất lún từ 1,5 - 5,3 cm. “Mọi người có biết thêm thành phố nào mà xe hơi và xuồng đụng nhau trên đường không?”, chuyên gia Dharmasaroja nói. Ông nhận định việc chỉ có thể dùng xuồng để đến một số địa điểm ngay trong lòng thành phố mỗi khi mưa lớn báo hiệu một tương lai “ngập nước” của Bangkok.
|
Theo Le Figaro, phần lớn các vùng dân cư ở Bangkok đang thấp hơn mực nước biển. Các khu phố ở phía đông như Lad Phrao, Phra Khanong và Bang Na đã lún xuống 1,7m trong vòng 60 năm qua. Được xây dựng trên nền đất sét, đô thị Bangkok rất dễ sụp lún và quá trình này ngày càng trầm trọng hơn do việc khai thác nước ngầm quá mức và các tòa nhà chọc trời mọc lên ngày càng nhiều: “Bangkok chẳng khác nào một người béo phì với khung xương của một đứa trẻ”, một tờ báo Pháp dẫn lời nhà địa chất học Thanawat Jarupongsakul nhận xét. Còn theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, khoảng 1 triệu người sẽ phải sống trong những vùng ngập nước tại Bangkok vào năm 2050.
Chính phủ Thái Lan đang tập trung bảo vệ Bangkok bằng một mạng lưới đập dọc theo sông Chao Phraya cùng hệ thống trạm bơm nước, kênh đào dẫn nước và bể chứa. Trong thập niên 1990, một điều luật đã ra đời nhằm kiểm soát việc khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, người ta vẫn tiếp tục bơm, một cách hợp pháp và cả trái phép, khoảng 2,8 triệu m3 nước ngầm mỗi năm. “Bangkok là trái tim của Thái Lan. Nếu chúng ta mất Bangkok, tất cả sẽ chấm dứt”, ông Smith Dharmasaroja lo lắng nói với Le Figaro.
Ngọc Trung
Bình luận (0)