TNO

Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu

07/03/2014 11:50 GMT+7

Món bánh bèo bì chợ Búng đã gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn, là ký ức của những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu thưởng thức món ngon độc đáo này.

Món bánh bèo bì chợ Búng đã gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn, là ký ức của những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu thưởng thức món ngon độc đáo này.

>> Cơm thố 60 năm của Sài Gòn
>> Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang

 Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 1
Những món ngon đặc trưng của bánh bèo bì chợ Búng

1. Bánh bèo bì gắn liền với chợ Búng (là tên gọi của một địa danh thuộc xã An Thạnh, Thuận An - Bình Dương), đồng thời với hai thương hiệu danh trấn vùng này là Mỹ Liên và Ngọc Hương (sát bên cửa chợ).

Lịch sử của món ngon dân dã này dễ cũng phải đến hơn 100 trăm. Khởi phát từ một gáng bánh bèo rong bên vệ đường mà thực khách phải ngồi chồm hổm để ăn, sau dần dần mới kê bàn bán trong sân, rồi vào nhà trệt, và ngày nay đã là một căn nhà nhiều tầng khang trang. Cô chủ quán Mỹ Liên nức tiếng nay đã ngoài 60 tuổi cũng chính là cháu ngoại của người gánh rong ngày xưa.

Bánh bèo bì chợ Búng cũng gắn liền với bao thế hệ người Sài Gòn, là ký ức của những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu thưởng thức món ngon độc đáo này. Với những vườn cây râm mát cùng nhiều đặc sản trái cây tươi ngon, Lái Thiêu cũng một thời là điểm hẹn lý tượng của nhiều nhóm bạn từ Sài Gòn.

2. Là món ăn dân dã với ba thành phần chính là bánh bèo, bì và nước mắm, nhưng cách chế biến món bánh bèo bì lại khá cầu kỳ, nếu không nói là công phu.

Trước tiên là công đoạn đổ bánh bèo. Ngày nay do áp dụng nhiều công nghệ mới nên việc này cũng đơn giản đi bội phần. Còn ngày trước thì người Bình Dương thường đổ bánh bèo trong chén như kiểu bánh bèo Huế. Đổ bột cũng được xem như một nghệ thuật, bởi khi tay đổ dứt giọt bột cuối cùng thì phải vừa ngám miệng chén, có vậy thì sau khi hấp xong miếng bánh bèo mới đẹp.

Bột gạo để đổ bánh cũng cầu kỳ không kém: gạo được ngâm qua đêm, rồi đổ cho ráo nước cho đến khi nào không còn mùi chua (cám gạo lên men khi gặp nước), xay nhuyễn rồi hòa với nước để tạo thành bột nước đổ bánh.

Còn bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng cùng da heo ram xắt mỏng từng sợi trộn thính gạo (không thế thiếu hai gia vị là tỏi và bột canh). Bí quyết của bánh bèo bì Mỹ Liên là ram đến gần vàng miếng thịt heo (loại thịt đùi ngon còn bọc da chung quanh). Nước dừa theo đúng định lượng được cho vào nồi để lửa riu riu cho ngấm vào thịt thì mới thơm.

Nước mắm, điểm nhấn chính của bánh bèo bì, là hỗn hợp nước mắm ngon nhiều đạm pha loãng cùng nước thắng kiệu. Chén nước mắm này còn hài hòa với nhiều món ngon khác của quán như bì cuốn, bún bì, chả giò...

 Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 2
Dĩa bánh bèo xưa cũ cùng bao ký ức đẹp của người Sài Gòn

3. Theo nhiều tài liệu thì cuối những năm 50 của thế kỷ trước, thị trấn Lái Thiêu với vài ngàn dân hãy còn là một chợ quận êm đềm như những ngôi phố chợ khác ở miền Nam, cũng từ ngày xa xưa chọn vùng bến bãi ven sông để thuận tiện vận chuyển hàng hóa. Ngày đó là hàng gốm sứ Lái Thiêu, là lu hủ khạp xuất về lục tỉnh và gạo thóc, cá mắm chở ngược lên.

Nhớ Lái Thiêu, là nhớ những dãy phố cổ đẹp đến nao lòng bên bờ sông, là giáo đường sớm nhất miền Nam, vườn trái cây thanh bình cùng bao món ngon thú vị...

Còn với những ai xa quê hương, một chút nhắc nhớ cũng dễ khiến bao kỷ niệm ùa về...

 

Cùng xem thêm nhiều hình ảnh của bánh bèo bì Mỹ Liên - chợ Búng:

 Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 3
Bì và dưa leo xắt nhỏ cho món bánh bèo bì, bún bì và bì cuốn

Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 4
Một lớp mỏng đậu xanh được tráng trên bề mặt của bánh bèo bì

Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 5
Xếp bánh bèo vào dĩa

Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 6
Bún bì thịt

Bánh bèo bì, ăn để nhớ Lái Thiêu 7
Chả giò

 

Đặng Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.