Cả buổi chiều, mẹ và chị Hai tỉ mẩn ngồi xắt cà chua, thơm, bí đao, gừng, dừa ra từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay út. Để lửa nhỏ, mẹ rim số trái cây ấy với đường. Toàn những thứ nhà trồng được nhưng khi nằm trong chảo bỗng thấy sang trọng hẳn. Tôi ngồi nhìn say mê những bong bóng nhỏ lăn tăn trên mặt chảo mà hai cánh mũi phập phồng. Chảo cạn, tất cả đều thành mứt dẻo, miếng nào miếng nấy đẫm chất đường đặc quánh, vừa trông thấy đã thèm.
|
Chị Hai đặt chảo mứt vừa rim trên thau nước lạnh rồi xoay đều cho mau nguội, còn mẹ thì nhẹ nhàng rây bột nếp vào xoong nước đường. Tôi được phân công khuấy đều cho bột hòa tan, không để vón cục. Khi bột ngấm nước đặc lại, mẹ đổ ra chiếc mâm nhôm và nhồi cho mảng bột thật dẻo. Mẹ nói nhồi bột càng kỹ thì da bánh càng mịn màng.
Mẹ dùng ống thổi lửa (vật không thể thiếu trong căn bếp nông thôn ngày xưa) cán bột thành từng miếng mỏng, dùng dao bén tỉa các cạnh cho sắc sảo rồi lần lượt xếp số mứt dẻo lên giữa mảng bột. Sau đó mẹ nhẹ nhàng cuốn tròn mảng bột như cuốn chiếu, bó kín phần nhân. Thế là thành bánh bó. Có lẽ người ta đã dùng động từ “bó” để đặt tên cho loại bánh này.
Mẹ chỉ cho chị Hai cắt bánh thành từng lát mỏng. Những lát bánh trắng tinh màu bột nếp, lỗ chỗ những miếng mứt làm nhân nhiều màu rất ngộ. Thơm màu vàng sậm, bí đao trắng đục, dừa trắng tinh, gừng vàng nhạt, cà chua đỏ hồng. Thấy miệng tôi chóp chép, chị Hai cho mấy miếng “đầu thừa đuôi thẹo” ăn thử. Những miếng này thường không có nhân. Vậy mà tôi ăn một cách ngon lành.
Đến tối, khi trăng còn lấp ló bên kia ngọn tre, tôi đã được mẹ cho ăn bánh bó một cách “chính thức”. Chao ơi là ngon! Bánh vừa thơm ngọt, vừa dẻo dai, mới vài lần nhai thì thực quản đã “ra lệnh” nuốt để còn... cắn miếng khác. Đã nhất là lúc răng và lưỡi lần lượt “duyệt” qua miếng dừa beo béo, miếng thơm chua gắt, miếng cà chua thanh, miếng bí đao ngọt lừ và miếng gừng cay thoang thoảng.
Dọc tuổi thơ tôi, cứ mỗi tháng tám mùa trăng, dù không trống không lân, tôi vẫn rộn ràng vì biết mình sẽ được mẹ cho một đêm rằm ngọt ngào cùng bánh bó.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)