Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 Chính phủ gửi Quốc hội.
Báo cáo này cho biết trong kỳ báo cáo (từ 1.10.2020 - 30.9.2021), tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát lớn tài sản; các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, trốn thuế; tiêu cực, tham nhũng “vặt” trong thực hiện các thủ tục hành chính...
Ông Trần Hùng bị cáo buộc có liên quan đến đường dây sản xuất phát hành SGK giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay |
đình trường |
Chính phủ cho biết, trong thời gian trên đã phát hiện 8.081 vụ (tăng 1,87%), 7.032 đối tượng (giảm 8,69%), 73 tổ chức (tăng 231,82%), trong đó có 10 pháp nhân thương mại phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 371 vụ (tăng 22,44%), 687 đối tượng (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Qua các kết quả đã đạt được, Chính phủ đánh giá đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện các vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, trong đó đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực. Điển hình hình là các vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội hay các vụ án tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh.
Chính phủ cũng đánh giá đã tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu.
Cụ thể, qua vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai đã khởi tố Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Qua vụ án sản xuất sách giáo khoa (SGK) giả tại Hà Nội đã khởi tố Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội và 4 đối tượng là cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh trong các ngày 18 - 22.6, Cục cảnh sát đi tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (đều thuộc Bộ Công an) bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại các xưởng in, gia công sách của một số doanh nghiệp.
Khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại SGK giả trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 3,2 triệu quyển SGK mạo danh của Nhà xuất bản Giáo dục. Theo C03, đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ SGK giả với số lượng lớn nhất nước từ trước tới nay. C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can là các chủ doanh nghiệp để điều tra về tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả” là SGK.
Quá trình mở rộng điều tra, C03 xác định đường dây làm giả SGK nêu trên từng bị lực lược thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương phát hiện nhưng không xử lý nghiêm. Chính vì thế, C03 đã khởi tố bổ sung các hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “môi giới hối lộ”, khởi tố bị can đối với 5 cán bộ Quản lý thị trường, trong đó có ông Trần Hùng.
Bình luận (0)