Báo cáo Thủ tướng vụ lấp sông Đồng Nai

28/03/2015 09:00 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều hôm qua 27.3, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng về dự án lấp sông Đồng Nai.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều hôm qua 27.3, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng về dự án lấp sông Đồng Nai.

Dự án vẫn “cấp tập” thi công trong những ngày quaDự án vẫn “cấp tập” thi công trong những ngày qua - Ảnh: Độc Lập

 Đồng Nai không thể tự quyết

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đánh giá, lưu vực sông Đồng Nai rất lớn, ảnh hưởng đến 11 tỉnh thành, không riêng gì tỉnh Đồng Nai. Do vậy, khi thực hiện dự án lấp đất lấn dòng con sông này với diện tích 7,7 ha là mặt nước (90% diện tích dự án) đương nhiên không thể một mình Đồng Nai tự quyết định mà phải tham khảo ý kiến các địa phương có liên quan. Đặc biệt, theo luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có nhiệm vụ điều phối và giám sát các hoạt động trên lưu vực các con sông liên tỉnh nên khi triển khai dự án lấn sông làm khu đô thị, UBND tỉnh Đồng Nai cần tham vấn Bộ. “Tuy nhiên, Bộ TN-MT không nhận được văn bản báo cáo nào về dự án lấp sông xây khu đô thị Pegasus Residence ở Đồng Nai. Chúng tôi mới biết thông tin qua kênh báo chí và thấy nhiều nhà khoa học đã khẳng định dự án này ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên nước ở lưu vực sông Đồng Nai. Do vậy, Bộ đã chỉ đạo Sở TN-MT Đồng Nai cung cấp thông tin về dự án này. Đồng thời, cử đoàn công tác đến khảo sát thực địa, thu thập các tài liệu, số liệu để thẩm tra lại việc tính toán tác động môi trường (ĐTM), tác động dòng chảy do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện”, Thứ trưởng Lai nói.

Toàn Thịnh Phát đề nghị được tạm ngừng thi công

Tối qua, Báo Đồng Nai điện tử phát đi tin ngắn về việc chiều 27.3, ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát, cho biết đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công. Theo đó, việc công ty chủ động đề nghị tạm dừng trên tinh thần cầu thị, tiếp thu và lắng nghe thêm ý kiến của các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng về việc thẩm định, làm rõ hơn đánh giá tác động của dự án.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết đã gửi công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đến UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tỉnh này báo cáo tình hình triển khai dự án, đặc biệt về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Công văn nhấn mạnh, sông Đồng Nai ảnh hưởng đến 11 tỉnh thành, có chức năng cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân. Để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức tham vấn ý kiến ủy ban này và các địa phương.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, ngay sau khi kết thúc buổi họp báo sẽ lên đường vào Đồng Nai tham gia đoàn công tác của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đến khảo sát hiện trường. “Ngoài việc tuân thủ các quy định về luật Đầu tư, Xây dựng, Đất đai, Môi trường... dự án lấn sông Đồng Nai để xây khu đô thị Pegasus Residence cũng phải chịu sự chi phối của luật Tài nguyên nước. Sự lưu thông của dòng chảy, thoát lũ phải xem xét tính toán trên toàn thể lưu vực sông Đồng Nai chứ không riêng khúc sông nào hay chỉ riêng phạm vi dự án”, ông Bẩy nói.

Mất Cù Lao Phố chỉ là vấn đề thời gian

Cũng hôm qua, đại diện Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) tổ chức một đoàn khảo sát thực địa tại hiện trường và lấy mẫu nước. Khoảng hơn 8 giờ sáng đoàn khảo sát có mặt tại cầu Ghềnh, phía đối diện với dự án. Trên công trường các phương tiện vẫn đang thi công một cách rất bình thường. Có thể thấy trên đoạn sông này khu vực làm dự án là đoạn rộng nhất, nằm ngay phía mũi Cù Lao Phố. Nước ở đây chảy khá mạnh. Đứng dưới chân cầu Ghềnh có thể nhìn thấy các xoáy nước. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy, bó hẹp đoạn sông đang rộng như vậy thì sức nước sẽ tăng lên giống như khi chúng ta tưới cây thường bóp đầu ống nước để nước bắn đi xa. Theo một chuyên gia, sức nước đó trong trường hợp này sẽ “bắn” thẳng vào Cù Lao Phố. Vì vậy sự lo lắng của người dân địa phương và dư luận về nguy cơ mất Cù Lao Phố là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Mất Cù Lao Phố đồng nghĩa với mất cầu Ghềnh - tuyến đường sắt bắc-nam. Còn nếu xây lại cây cầu này sẽ mất rất nhiều tiền vì đoạn sông rất rộng.

Rời cầu Ghềnh, đoàn khảo sát tiếp tục qua cầu Bửu Hòa đến Cù Lao Phố. Các chuyên gia lấy mẫu nước để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Sau đó tiếp cận công trình tại đình Phước Lư thuộc khu phố 2, phường Quyết Thắng. Bà Đoàn Thị Mỹ Anh (khu phố 2, phường Quyết Thắng) sống cạnh đình nói: “Họ tự ý làm chứ không có hỏi ai, cũng không có họp hội gì cả nên ở đây không ai biết gì hết. Không phải một mình tôi mà tất cả bà con chúng tôi ở đây có ai biết gì đâu. Nhà tôi thuộc diện giải tỏa để làm bờ kè vậy mà cũng không thấy ai nói gì. Đâu ngờ họ chuyển sang làm chung cư lúc nào không hay...”.

Một số người dân địa phương cho biết hiện nay vào mùa bình thường mặt nước sông cách mặt sân đình khoảng 80 cm nhưng đến cao điểm mùa lũ tháng 7, tháng 8 có thể lên gần ngập sân đình. Lúc đó nước rất cao và chảy rất mạnh.

TP.HCM đang tập trung theo dõi vụ việc

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội do UBND TP.HCM tổ chức vào chiều 27.3, nhiều nhà báo, trong đó có PV Thanh Niên đã nêu câu hỏi về quan điểm của UBND TP.HCM liên quan đến việc UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông Đồng Nai làm dự án. Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM Võ Văn Luận nói: “Việc này trả lời cũng nhạy cảm lắm”. Ông Luận cho biết hiện UBND TP chưa nắm cụ thể về quy mô dự án này. Qua thông tin phản ánh của báo chí thì thấy đây là một chuyện lớn, một điểm nóng và TP đang tập trung theo dõi.

Liên quan đến văn bản của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) gửi UBND TP.HCM bày tỏ những lo ngại việc lấp sông Đồng Nai làm dự án có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, xói lở, các trạm bơm và nguồn nước sông (hiện nguồn nước sông Đồng Nai chiếm hơn 60% tổng công suất cấp nước cho hàng triệu người dân TP.HCM), ông Luận cho biết UBND TP chưa họp bàn về vấn đề này. “Phải nghiên cứu xem dự án này ra sao rồi sau đó mới họp bàn”, ông Luận nói.           

Đình Phú

Nên dừng ngay để xem xét lại từ đầu

 Ông Phạm Văn Miên, nguyên là chuyên gia về môi trường nước của Viện Khoa học môi trường và phát triển (VESDEC), cố vấn của Viện Sinh thái học miền Nam, phân tích: “Theo nguyên tắc khoa học là phải có phản biện để tìm ra giá trị khoa học đích thực của vấn đề. Nếu tỉnh Đồng Nai nghĩ rằng mình đã làm dự án này một cách khoa học thì khi có ý kiến phản biện tỉnh nên dừng dự án lại ngay để xem xét lại từ đầu”.

Trong khi đó, TS Phan Đức Tác, chuyên gia nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp công nghệ kè bờ sông, biển cho rằng: “Dự án lấn sông ở Đồng Nai nếu tiếp tục được thực hiện không chỉ phá vỡ kết cấu dòng chảy tự nhiên mà còn tạo ra nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực cho nền quản trị quốc gia. Bất kỳ hành động tác động đến con sông nào cũng phải được nhìn nhận ở vấn đề thoát lũ và vệ sinh nguồn nước. Trong lịch sử, sông Đồng Nai có lũ rất lớn và chức năng điều tiết lũ có vai trò đặc biệt quan trọng. Dù hiện tại, phía thượng nguồn con sông đã có hồ chứa ngăn lũ nhưng nó vẫn có chức năng điều tiết, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng trục triệu dân hai ven bờ. Thiên tai luôn tiềm ẩn yếu tố bất thường, nếu dòng sông bị thu hẹp lại, giả sử khi có tình huống vỡ đập, mưa lớn gây lũ lớn khi ấy ai chịu trách nhiệm. Nếu sông Đồng Nai chỉ chảy trong phạm vi tỉnh này thì địa phương mới có quyền tự ý can thiệp, còn đây là sông liên tỉnh thì mỗi hành động can thiệp đến dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến nhiều lợi ích của nhiều địa phương dọc theo con sông, hiểu rộng ra là lợi ích của quốc gia đang bị xâm phạm”.

 Phan Hậu - Chí Nhân

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.