Sáng 14.11, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã có buổi tiếp ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền phát triển, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, anh Nguyễn Tường Lâm đã thông tin về các tổ chức thanh niên của Việt Nam và quan hệ hợp tác giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam và các cơ quan Liên Hiệp Quốc.
Theo anh Nguyễn Tường Lâm, trong thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam và các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thanh thiếu nhi Việt Nam.
Một số hợp tác tiêu biểu, cụ thể như: T.Ư Đoàn đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hai bên tổ chức các hoạt động trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho thanh niên Việt Nam nhằm góp phần ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam vì các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội…
T.Ư Đoàn đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) để triển khai dự án "Chương trình Hỗ trợ thanh niên Việt Nam về sức khỏe tình dục sinh sản và bạo lực trên cơ sở giới; Thanh niên tham gia chuẩn bị cho tuổi già - "Không ai bị bỏ lại phía sau vì mục tiêu phát triển bền vững" giai đoạn 2023 - 2026...
T.Ư Đoàn phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế của Liên Hiệp Quốc triển khai dự án "Tăng cường kỹ năng và cơ hội việc làm cho thanh niên góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế an toàn" giai đoạn 2023 - 2025, nhằm hỗ trợ thanh niên di cư trong đó tập trung tăng cường các kỹ năng hội nhập quốc tế bao gồm kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc làm và khởi nghiệp, nhằm nâng cao cơ hội việc làm an toàn, bền vững cho thanh niên mong muốn làm việc tại các địa phương khác nhau ở Việt Nam và nước ngoài.
Anh Lâm cũng thông tin về vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường; sự tham gia của tổ chức Đoàn trong việc xây dựng luật, chính sách cho thanh niên. Trong đó, anh Lâm đề cập đến việc hằng năm Thủ tướng Chính phủ đều có cuộc đối thoại với thanh niên; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đều có quy định phải đối thoại với thanh niên. Từ đó, thanh niên được nói lên tiếng nói của mình để các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách phù hợp đối với thanh niên.
Đột phá trong chuyển đổi số của Việt Nam
Trả lời các vấn đề ông Surya Deva quan tâm về việc chuyển đổi số ở Việt Nam, anh Lâm cho biết, ở Việt Nam có mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng và tuyên truyền chuyển đổi số". Tổ công nghệ số cộng đồng được khuyến khích thành lập tới thôn, bản, tổ dân phố, khu phố... trong đó thanh niên giữ vai trò nòng cốt trong tổ.
Tính đến tháng 7.2023 đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 tổ và 348.362 thành viên, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt tại địa phương.
Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác chuyển đổi số quốc gia từ T.Ư tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
"Đây là một kết quả đặc biệt đột phá trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Tổ công nghệ số cộng đồng mang tính toàn dân, là một đặc trưng của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số trong tương lai", anh Lâm chia sẻ.
Bình luận (0)