|
Hạn chế tiêu cực trong tuyển quân
ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nêu vấn đề: “Dự luật quy định tạm hoãn nhập ngũ cho sinh viên tình nguyện, công chức tới vùng khó khăn, biên giới hải đảo, nhưng lại không quy định tạm hoãn nhập ngũ cho thanh niên ở ngay các vùng đó. Đã cho hoãn thì hoãn cả 2 đối tượng đó mới công bằng”. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM phân tích: “Thường lực lượng chính nhập ngũ là con em nông dân, ở nông thôn. Các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề ta đưa vào tạm hoãn thì đây cũng là chỗ trốn tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS). Thống kê cho thấy, tỷ lệ có trình độ đại học nhập ngũ hằng năm rất thấp, dưới 5%. TP.HCM làm rất quyết liệt, thì cao đẳng, trung cấp, đại học chưa tới 32% trong đó đại học chiếm dưới 10%”. “Điều này tạo ra sự bất bình đẳng. Nên cần thu hẹp diện tạm hoãn nhập ngũ. Như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng quân đội. Chứ như dự luật đây sẽ đưa toàn thành phần khó khăn đi nhập ngũ”, ĐB Hưng nhận xét.
|
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu thực trạng: “Nếu quan sát kỹ, hiện tượng tiêu cực trong tuyển quân hiện vẫn diễn ra. Thông thường, ở nhiều nơi khó khăn, thanh niên không có con đường sinh kế thì đi bộ đội... Còn nhiều người nhà có điều kiện thì lại chạy chọt, trốn nghĩa vụ”. “Tờ trình, dự luật hầu như không nhắc chuyện đó nữa vì đó là chuyện phản cảm. Nhưng chúng ta không thể không tính chuyện đó”, ông Quốc nói. Cùng quan điểm này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét: “Thực hiện NVQS có thấy con quan chức đâu, toàn con nông dân, công nhân nghèo. Tôi thấy cử tri phản ánh có hiện tượng muốn “đi” thì thế nào muốn “ở” thì thế nào. Dự luật phải làm sao để có thể hạn chế được tất cả những tiêu cực có thể xảy ra”.
Có ĐB băn khoăn việc dự luật cho tạm hoãn NVQS với sinh viên học hệ chính quy nhưng lại chưa quy định tạm hoãn cho sinh viên hệ khác. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi đề nghị miễn hay hoãn NVQS không phân biệt học chính quy hay không chính quy, nam hay nữ”.
Có nên đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự ?
ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) đề nghị: “Hiện có nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài rất nhiều nhưng không đề cập trong dự luật. Các đối tượng này không có sự ràng buộc nào trong luật hết. Các nước khác, thanh niên đi học nước ngoài có ràng buộc như đóng tiền, khi về, nếu thực hiện nghĩa vụ người ta trả lại tiền đó”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, ông Đinh Xuân Thảo nói: “Nhiều nước họ làm rất nghiêm, sinh viên dù sang Mỹ du học thì về vẫn phải làm NVQS”. Tuy nhiên, ông lại gây tranh luận: “Hiện nay, ngân sách đang thiếu tiền thì tại sao không huy động đóng góp thay thế, miễn là tiền đấy không vào tư túi của ai. Ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp thì chúng ta cần kinh phí để hiện đại hóa quân sự”. “Thôi thì con em nhà nghèo không có tiền đóng góp thì đi NVQS còn con em nhà có điều kiện có thể đóng góp tiền thay thế”, ông nói.
ĐB Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH) phản ứng: “Dùng tiền thay thế lại càng không chấp nhận được”. “Nói số lượng tuyển quân ít. Vậy chẳng lẽ ta sẽ thu tiền của tất cả những thanh niên không được gọi tham gia nhập ngũ hay sao? Chúng ta không thể yêu cầu những người không tham gia NVQS phải đóng tiền. Họ sẽ phản ứng lại: tôi có nhu cầu đi NVQS, tại sao không cho tôi nhập ngũ mà lại bắt tôi đóng tiền? Còn đối với trường hợp được gọi NVQS nhưng lại bảo tôi có tiền, tôi đóng tiền để không thực hiện NVQS. NVQS mà bảo mang tiền ra để đo là không thể chấp nhận được”, ông Thi phân tích.
ĐB Đào Trọng Thi cho rằng: “Lao động công ích chấp nhận đóng tiền thay thế nhưng NVQS khác, là thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, là được rèn luyện kỹ năng, kỷ luật rất tốt cho chính bản thân người thanh niên đó. Tham gia NVQS là “được” chứ không nên nói là phải tham gia”.
18 hay 24 tháng ?
Một điểm quan trọng trong dự luật NVQS (sửa đổi) là nâng thời gian thực hiện NVQS từ 18 tháng như hiện nay lên 24 tháng. Theo ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), thời điểm hiện nay kéo dài thời gian tại ngũ cũng gây tốn kém chi phí ngân sách. Nên ông đề xuất, những đối tượng nhập ngũ nào cần đào tạo chuyên môn thì kéo dài 24 tháng, còn nếu không cần, như bộ binh thì vẫn để 18 tháng.
Không đồng tình quan điểm này, ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) nêu thực tế: 18 tháng là ngắn nên thời gian huấn luyện không đầy đủ, không đảm bảo về các vấn đề kỹ thuật, chiến thuật. Ông Bình đề nghị: “Nên đưa hết lên 24 tháng cho công bằng, lại tạo điều kiện cho huấn luyện”.
Tai nạn lao động nhiều vì xử lý yếu Liên quan đến dự luật An toàn vệ sinh lao động, ĐB Hà Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng thời gian vừa qua tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra rất nhiều là do xử lý yếu kém. “Về bản chất vi phạm giao thông hay vi phạm quy định an toàn lao động gây chết người không khác nhau thì lẽ ra, người gây ra tai nạn cũng phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, theo ĐB này, thực tế hiện nay, các vụ TNLĐ chủ yếu do thanh tra lao động chủ trì giải quyết, đa số là thu xếp vụ việc, không có tính răn đe nên TNLĐ vẫn xảy ra nhiều. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho rằng, quy định như dự luật để thanh tra lao động chủ trì thì TNLĐ tuy giảm xuống trong lý thuyết nhưng thực tế nó tăng vì không được báo cáo. “Có vụ gì, họ dẹp hết. Cho nên phải thiết kế lại quy định cho chặt chẽ không thiệt thòi cho người lao động. Hiện nay quy định máy móc quá nên thiệt thòi cho người lao động dữ lắm. Những quy định ấy có phần lạnh lùng, vô cảm trước số phận con người”, ông nói. M.Q - Trường Sơn (ghi) |
Mạnh Quân - Trường Sơn - Tuyết Mai
>> Công bằng hơn khi tăng tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự
>> Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng
>> Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ
Bình luận (0)