Bảo đảm từng nội dung Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống

09/01/2014 03:05 GMT+7

Sáng 8.1, Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị được truyền hình trực tiếp, trực tuyến tới 63 tỉnh, TP trên cả nước nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đồng thời quán triệt, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tổ chức triển khai thi hành, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị đã dành phần lớn thời gian nghe Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày những nội dung cơ bản của Hiến pháp. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” được ghi nhận và phát triển thành nguyên tắc. So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp mới có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, đó là quyền sống (điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (điều 20); quyền xác định dân tộc (điều 42)...

Về lĩnh vực kinh tế, lần đầu tiên, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được ghi nhận trong Hiến pháp (khoản 3 điều 51). Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách tạo ra sự bất bình đẳng...

Theo kế hoạch, việc rà soát văn bản pháp luật để dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định trái Hiến pháp, hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp được xem là ưu tiên hàng đầu. Các văn bản pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ được thể chế hóa bằng các luật.

Dự kiến sẽ có 15 dự luật được sửa đổi và ban hành mới trong giai đoạn từ 2014 - 2016 liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có các luật như: luật Về hội; luật Trưng cầu ý dân; luật Biểu tình; luật Tiếp cận thông tin; luật Hộ tịch; luật Căn cước công dân.

Bảo Cầm

>> Nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ được tư tưởng của Hiến pháp
>> Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc để vững bước tiến lên trong thời kỳ mới (*)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.