Các trung tâm y tế ở Tigray đã ghi nhận hơn 1.200 trường hợp bạo lực tình dục từ tháng 2 đến tháng 4, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết. Số vụ tấn công tình dục kể từ khi cuộc xung đột ở Tigray bắt đầu vào tháng 11.2020 vẫn chưa được làm rõ vì hầu hết cơ sở y tế ở vùng đất 6 triệu dân này đã bị cướp phá. Tuy vậy, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, những con số này có thể chỉ “thể hiện một phần nhỏ” thực tế.
Trong báo cáo, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã phỏng vấn 63 nạn nhân bị tấn công tình dục và một số nhân viên y tế. Hàng chục phụ nữ nói họ bị giam giữ trong nhiều tuần và bị nhiều người đàn ông hãm hiếp nhiều lần. 12 phụ nữ khác cho biết họ bị cưỡng hiếp trước mặt người nhà. 5 nạn nhân nói họ đang mang thai vào thời điểm bị cưỡng hiếp. Hai người bị nhét đinh, sỏi và mảnh đạn găm vào âm đạo.
AP dẫn lời một số nạn nhân cho biết họ bị đồng minh của quân đội Ethiopia, đặc biệt là binh lính từ nước láng giềng Eritrea, cưỡng hiếp.
“Ngay từ đầu, những lực lượng này cảm thấy họ sẽ không bị trừng phạt khi gây ra tội ác, không gì có thể ngăn cản họ”, AP dẫn lời điều tra viên cấp cao Donatella Rovera của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Bà Rovera cũng cho biết chuyện diễn ra ở Tigray là một trong số những tội ác tồi tệ nhất mà bà từng điều tra.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi các bên liên quan có trách nhiệm giải trình về bạo lực tình dục trong cuộc xung đột. Nhiều phụ nữ ở Tigray đang bị tổn thương về thể chất và tinh thần sau các vụ bạo lực, bao gồm cả việc bị nhiễm HIV và liên tục xuất huyết.
Đáp lại báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ Ethiopia cho biết họ từng thừa nhận trước đó rằng “một số thành viên của lực lượng vũ trang có những hành vi trái với các quy tắc và chỉ thị mà họ nhận được”.
Tuy vậy, Ethiopia cáo buộc Tổ chức Ân xá Quốc tế đang “bôi nhọ” chính phủ nước này. Bộ trưởng thông tin Yemane Gebremeskel của nước láng giềng Eritrea cũng đăng đàn Twitter cáo buộc Tổ chức Ân xá Quốc tế “có thái độ thù địch” với đất nước của ông.
Chính phủ Ethiopia không cho phép các nhà nghiên cứu nhân quyền vào khu vực Tigray. Tuy vậy, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Nhân quyền Ethiopia do chính phủ thành lập đang thực hiện một cuộc điều tra chung về hành vi tàn bạo trong cuộc xung đột.
Cuộc nội chiến ở Ethiopia bùng phát vào tháng 11.2020, khi Thủ tướng Abiy Ahmed đưa lực lượng chính phủ và quân đồng minh đến để giải giáp lực lượng nổi dậy do Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), đảng cầm quyền ở vùng Tigray của Ethiopia, lãnh đạo. Xung đột đã gây ra nhiều thảm họa nhân đạo ở vùng Tigray với nhiều cuộc thảm sát và cưỡng hiếp tập thể. Theo Liên Hiệp Quốc 400.000 người Tigray đang đối mặt với nạn đói.
Bình luận (0)