Báo động sạt lở miền Tây: Mất cân bằng phù sa, cát

Đình Tuyển
Đình Tuyển
16/06/2018 07:15 GMT+7

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên - Trường đại học Cần Thơ, cho rằng điều cần làm nhất lúc này là phải thẳng thắn nhìn nhận: không một giải pháp nào có thể chế ngự được sạt lở.

50 năm trước là quá trình bồi nên chúng ta có cuộc sống yên ổn, còn 50 năm sau sẽ xu thế lở. Cần phải có một tâm thế liệu cơm gắp mắm, cân nhắc giữa được và mất ở tất cả công trình trên đồng bằng này. Không nên đổ tiền vào những công trình vĩ đại, nghìn tỉ rồi tương lai không xa cũng bị xóa sổ.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, cũng cho rằng bao nhiêu tiền, dù là công trình hay phi công trình cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được, bởi nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và thiếu cát. Một đồng bằng châu thổ do phù sa tạo nên như ĐBSCL chỉ có thể tồn tại khi cán cân phù sa đủ để duy trì bờ sông bờ biển. Vì vậy, những việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, tài sản của nhà nước là gồm 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ. Thứ hai, đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao. Thứ ba, quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông phía dưới và toàn bộ bờ biển.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo đối với biện pháp công trình cần nhớ rằng rất đắt đỏ. Chi phí 1 km bờ kè có thể lên đến 100 tỉ đồng. Sẽ không bao giờ có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở. Khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này, thì sẽ đồng nghĩa với gia tăng sạt lở nơi khác vì dòng sông sẽ phải tự tìm cân bằng. Điều quan trọng nữa là bờ kè hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ gia tăng qua thời gian và khi công trình hết tuổi thọ sụp đổ thì tổn thất rất lớn. Cuối cùng, công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả, trong khi thực chất không an toàn. Người dân thấy an tâm xây dựng ra sát bờ kè, khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn.
Trong cuộc họp về phòng chống sạt lở ở địa phương mới đây, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho rằng các biện pháp phòng chống sạt lở phải bao gồm cả công trình và phi công trình. Chứ không phải cứ sạt lở là làm bờ kè kiên cố vì Cần Thơ sông rạch rất nhiều, kinh phí không đảm đương nổi. Thay vào đó, nên phát động cho người dân tổ chức thực hiện các biện pháp phi công trình, trồng cây giữ đất… Về lâu dài, Cần Thơ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 “xóa” toàn bộ nhà sàn bằng cọc cặp mé sông. Việc cất nhà sàn, cọc trên sông, không chỉ tác động tăng tải trọng lên bờ sông làm sạt lở, mà gây nguy hiểm cho chính người dân. Khi sạt lở xảy ra, những hộ nhà sàn, cọc thường là những hộ mất trắng nhà cửa, thậm chí bị đe dọa tính mạng. Chưa kể nhà sàn, cọc còn ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.