Báo động về chất lượng vệ sĩ

04/08/2010 02:37 GMT+7

Liên quan đến vụ bảo vệ quán cơm Minh Đức hành xử côn đồ với khách hàng, hôm qua, ông Lê Văn Kính, nguyên thiếu tướng Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an), Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ VN, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên. * Che giấu nhân viên sai phạm, tẩu tán tang vật * Tổng lãnh sự quán Hà Lan đề nghị điều tra toàn bộ vụ việc * Vũ Hoàng Điệp nói gì?

Ông Kính bức xúc: “Nếu theo thông tin trên báo chí, tôi thấy hành động của nhân viên bảo vệ quán cơm Minh Đức đối với khách hàng đã vượt quá mức độ tự vệ chính đáng, thậm chí là mang tính chất côn đồ, thể hiện ở việc tấn công đối tượng khi không còn khả năng tự vệ, với số đông và bằng công cụ hỗ trợ. Có thể thấy, hành vi như vậy là vượt quá vai trò, chức năng nhiệm vụ của một nhân viên đối với mục tiêu cần bảo vệ và hoàn toàn xứng đáng bị xử lý trước pháp luật”.

“Vì số lượng tăng dẫn tới nhân sự khan hiếm, đầu vào tất yếu sẽ bị hạ thấp tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, một số công ty mới thành lập, thiếu tài chính, chưa có một quy trình huấn luyện, đào tạo chuẩn, nên xảy ra hiện tượng nhân viên bảo vệ có khi chỉ qua huấn luyện 1 tuần đã đi làm nhiệm vụ”.

* Có gần 700 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ và số lượng này dự báo còn tăng lên trong thời gian tới, theo ông nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng bùng nổ này?

- Đó là thực tế phản ánh nhu cầu của xã hội. Khi Công ty Long Hải được thí nghiệm thành lập và sau đó hàng loạt công ty khác ra đời theo Luật Doanh nghiệp, nó giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giữ gìn trật tự xã hội như một cánh tay nối dài của công an cơ sở, làm cho các công ty, doanh nhân và các đối tượng khác có nhu cầu cần bảo vệ cảm thấy yên tâm. Như vậy, chúng ta đã tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.

* Nhưng số lượng công ty dịch vụ bảo vệ tăng không đồng hành với chất lượng dịch vụ gia tăng, ông giải thích vấn đề này như thế nào?

Theo Thông tư 45/2009/TT-BCA về kinh doanh dịch vụ bảo vệ, trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn bị thu hồi giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ 3 tháng, 6 tháng hoặc không thời hạn.

- Đúng là còn nhiều nhược điểm. Hiện tại, Chính phủ đã có Nghị định 52 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Bộ Công an cũng ban hành Thông tư 45 để hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận là nhiều công ty còn chưa chuyên nghiệp hóa, khiếm khuyết trong khâu tuyển dụng, thiếu một chương trình huấn luyện, đào tạo thống nhất, có quy chuẩn, và vì là thương trường nên chắc chắn nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ trước đây người ta tuyển nhân viên trong lứa tuổi 22-35, tốt nghiệp lớp 12, lý lịch rõ ràng, ưu tiên cho bộ đội hoặc công an nghĩa vụ xuất ngũ, giáo trình huấn luyện chặt chẽ, cơ bản trong 2 tháng hay 500 tiết học liên tục. Nhưng vì số lượng tăng dẫn tới nhân sự khan hiếm, đầu vào tất yếu sẽ bị hạ thấp tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, một số công ty mới thành lập, thiếu tài chính, chưa có một quy trình huấn luyện, đào tạo chuẩn, nên xảy ra hiện tượng nhân viên bảo vệ có khi chỉ qua huấn luyện 1 tuần đã đi làm nhiệm vụ... Chính vì vậy, thời gian gần đây mới phát sinh một số vụ án liên quan tới nhân viên bảo vệ, mà trường hợp ở quán cơm Minh Đức (Q.1, TP.HCM) là một ví dụ. Thực trạng này cũng làm phát sinh nhu cầu hình thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp, quản lý và thống nhất phương thức hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ của các công ty.

Che giấu nhân viên sai phạm, tẩu tán tang vật

Cơ quan công an thu giữ 5 roi điện - ảnh: Đàm Huy

Sáng 3.8, Cơ quan CSĐT Công an Q.1, TP.HCM tiến hành lấy lời khai 3 bảo vệ bị bắt khẩn cấp là Bùi Đình Hoàng (22 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), Dương Trọng Nghĩa (19 tuổi, quê Trà Vinh) và Nguyễn Minh Dương (31 tuổi, quê Long An), nhằm làm rõ vụ đánh trọng thương ông Lê Văn Ngai (60 tuổi, Việt kiều Hà Lan) tối 30.7.

Theo cơ quan công an, lúc xảy ra vụ việc, tại quán cơm Minh Đức có 5 bảo vệ gồm Hoàng, Nghĩa, Dương, Thiện, Linh của Công ty TNHH MTV DV bảo vệ mô tô Thành Công (trụ sở đặt trên đường Trần Phú, Q.5) đang làm nhiệm vụ giữ xe và giữ an ninh trật tự tại đây, do Hoàng làm tổ trưởng. Trong lúc đánh ông Ngai, Hoàng và Nghĩa là người cầm roi điện. Sau khi đánh xong, 2 người này đã giấu roi điện vào tủ đồ của bảo vệ. Thế nhưng, khi Công an P.Phạm Ngũ Lão gặp đại diện Công ty Thành Công yêu cầu giao nộp roi điện thì người này không chịu giao nộp. Phải đến khi công an cho biết sẽ xin lệnh khám xét thì trưa 2.8, ông Lê Tấn Nơi (52 tuổi), Phó giám đốc kinh doanh của Công ty Thành Công, mới mang 5 roi điện đến công an phường giao nộp.

Một tình tiết đáng chú ý khác là sau khi đánh ông Ngai, Hoàng đã dùng ĐTDĐ gọi vào điện thoại bàn của Công ty Thành Công báo vụ việc vừa xảy ra. Khoảng 15 phút sau, có một ô tô 7 chỗ đưa thêm ít nhất 3 người nữa đến hiện trường tham gia đánh ông Ngai. Mặc dù cơ quan công an đã yêu cầu cung cấp biển số xe và tên tuổi các bảo vệ trên xe nhưng người đại diện của công ty trả lời: “Không biết!?”...

Thậm chí, sau khi cơ quan công an thu thập được biển số xe là 65N-4398, ông Nơi vẫn tiếp tục khẳng định “không biết”. Trong khi đó, trinh sát của Công an Q.1 đã xác định đó là xe của Công ty TNHH T.T.H (ở đường Phú Định, P.11, Q.5) ký hợp đồng cho ông Nơi thuê từ ngày 16.7.2010, trong thời gian 1 tháng. Tối 31.7 (1 ngày sau khi xảy ra vụ việc nói trên), ông Nơi mang ô tô đến trả, đồng thời thanh lý hợp đồng trước thời hạn và chịu bồi thường 5 triệu đồng.

Một cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM, khẳng định: “Việc trang bị công cụ hỗ trợ cho bảo vệ là để tự vệ khi bị cướp tấn công..., chứ không phải để đánh người như Công ty Thành Công. Trong vụ này, cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm trong việc quản lý công cụ hỗ trợ của Công ty Thành Công”.

Nguyên Bảo

Tổng lãnh sự quán Hà Lan đề nghị điều tra toàn bộ vụ việc

Hôm qua 3.8, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM có công hàm gửi Sở Ngoại vụ TP.HCM về việc ông Lê Văn Ngai, công dân Hà Lan, thông báo bị một nhóm bảo vệ đánh tại quán cơm Minh Đức (số 35 Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) vào tối 30.7. Theo đó, Tổng lãnh sự quán Hà Lan đề nghị các cơ quan chức năng VN điều tra toàn bộ sự việc và thông báo cho Tổng lãnh sự quán được biết về tiến triển của vụ việc.

Nguyên Bảo

Vũ Hoàng Điệp nói gì?

Trước đây, Hoàng Điệp từng gây ồn ào khi đi cùng 26 vệ sĩ ảnh: T.C

Vũ Hoàng Điệp cách đây không lâu từng tuyên bố mở công ty vệ sĩ và có đến... 500 người chứ không phải 26 người theo bảo vệ cô trong một sô thời trang. Thời điểm đó, nhiều người cũng từng biết cô được coi là “người nhà” của Công ty Thành Công.

Tuy nhiên trả lời Thanh Niên hôm qua, Nữ hoàng sắc đẹp nói hiện tại cô không còn liên quan đến Công ty Thành Công. Cô cũng không có vai trò gì trong ban giám đốc “vì nếu như có tên thì chắc chắn đã bị các cơ quan chức năng nhắc đến”.

Về những gì đã xảy ra trước đây và lời khẳng định “có 500 vệ sĩ”, Vũ Hoàng Điệp nói: “Tôi chỉ nhờ họ bảo vệ tính mạng của mình và giúp quảng bá công ty cho bạn tôi mà thôi. Những thông tin nói trên rất dễ làm ảnh hưởng đến tên tuổi và công việc tôi đang có. Tôi xin khẳng định tôi không liên quan đến việc này”.

Trả lời Thanh Niên, Ban giám đốc Công ty Thành Công cũng nói người đẹp không liên quan đến vấn đề của công ty. Mọi việc là do một thành viên khác chịu trách nhiệm.

Trí Nam

Thành Lương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.