Tại các tỉnh, thành miền Nam, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây sự cố mất điện, thiệt hại về kinh tế và nguy hiểm đến tính mạng người dân.
|
Đủ kiểu vi phạm
Sự cố cây dầu vướng vào đường dây 500 KV (xảy ra ngày 22.5.2013 tại tỉnh Bình Dương) làm mất điện 22 tỉnh, thành miền Nam, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng là bài học đắt giá về vi phạm hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ).
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), trước tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN SPC đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương, việc bảo vệ ATLĐ đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử tại tỉnh Bình Phước, trong 473 km đường dây điện cao áp, có đến hàng trăm vị trí bị vi phạm hành lang ATLĐ, tập trung ở các huyện: Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Gia Mập và TX.Phước Long. Nguyên nhân phổ biến là do người dân trồng cao su gần hành lang lưới điện. Một cán bộ của Công ty Điện lực Bình Phước nói: “Người dân vẫn biết rõ là vi phạm nhưng vì kinh tế nên họ không hợp tác chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu vực hành lang ATLĐ. Tìm chủ cây đã khó, vận động họ chặt bỏ lại càng khó hơn”.
Theo báo cáo của Ban Kỹ thuật an toàn (EVN SPC), từ tháng 8 - 9.2013, tại 22 tỉnh, thành miền Nam đã xảy ra hàng chục sự cố cắt điện do vi phạm hành lang ATLĐ. Cụ thể, tại Trà Vinh, gió lốc làm cây xanh ở chùa Hang chạm vào đường dây điện làm mất điện ngày 23.8. Tại Bình Dương, ngày 9.9, trong lúc dọn nhà, ông Lương Nguyễn Quốc Vũ bất cẩn đưa cây inox dài khoảng 6 m chạm vào đường dây 22 KV khiến ông bị bỏng nặng và gây ngắt mạch. Tại Đồng Nai, ngày 7.9, người dân xây nhà, dùng ròng rọc kéo sắt gây phóng điện và mất điện. Tại Tiền Giang, giông lớn làm gãy nhánh bay vào đường dây. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mưa giông làm cây xanh ngã vào lưới điện 22 KV... Những sự cố trên đã làm mất điện cả một khu vực rộng, gây thiệt hại hàng tỉ đồng và ngành điện lực phải huy động lực lượng để khắc phục sự cố trong nhiều giờ.
Biện pháp cấp bách
Tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ khó xử lý dứt điểm là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ ATLĐ. Nhiều người vẫn chủ quan, không lường trước được tai nạn có thể xảy ra khi xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang ATLĐ. Mặt khác, công tác kiểm tra, phối hợp tuyên truyền giữa ngành điện và các cơ quan liên ngành trong việc bảo vệ hành lang ATLĐ vẫn còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, EVN và EVN SPC chỉ đạo các công ty điện lực và Công ty Lưới điện cao thế miền Nam khẩn trương triển khai công tác cấp bách như: tăng cường kiểm tra hành lang ATLĐ cao áp, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm có nguy cơ gây sự cố cho lưới điện, tai nạn điện; phối hợp địa phương thực hiện dọn dẹp, phát quang các vị trí mất an toàn có thể ảnh hưởng đến đường dây trong mùa mưa bão… Đặc biệt, để bảo vệ hành lang ATLĐ hiệu quả hơn, ngành điện địa phương phải thông báo kết quả kiểm tra đến chính quyền sở tại và Sở Công thương để cùng xử lý dứt điểm. Ngoài ra, các công ty điện lực đề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, ngành liên quan để xử lý nhanh các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ; thông qua Sở Công thương sẽ trình UBND các tỉnh, thành xem xét, phê duyệt quy chế để làm cơ sở áp dụng. Công tác phối hợp tuyên truyền về hành lang ATLĐ phải được triển khai sâu rộng, cụ thể và đi vào đời sống.
Đây được xem là những việc làm cấp thiết bởi mùa mưa bão đang vào giai đoạn nguy hiểm nhất trong năm. Nếu không đảm bảo hành lang ATLĐ, tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào khi mưa to, gió lớn.
Đình Tuyển
Bình luận (0)