Đã lui về đằng sau ống kính với vai trò đạo diễn đến lần thứ ba, nhưng dường như điện ảnh vẫn là vũ trụ bao la để anh ra sức khám phá.
Sự thất bại của Lửa Phật không làm Dustin Nguyễn nao núng trước con đường mình đã chọn. Không giấu diếm sự cầu thị - thứ gần như là xa xỉ với những người đã ở trong hào quang quá lâu và những lời tung hô mù quáng, Dustin Nguyễn nỗ lực khẳng định bản thân qua một câu chuyện khá bình dân là Trúng số. Trúng số là một phim hay, điều này đã được cả khán giả nhìn nhận (bằng chứng là doanh thu phòng vé) lẫn giới chuyên môn đánh giá cao (những lời có cánh và vô số giải thưởng), nhưng chưa hẳn là một phim tốt. Thế nên, sau Trúng số, Dustin Nguyễn lại miệt mài đi hoàn thiện con người đạo diễn trong anh. Và Bao giờ có yêu nhau, tác phẩm vừa ra rạp hôm qua 12.5, gần như không có một vết sạn nào.
|
Phá bỏ những nguyên tắc ăn khách thường thấy trong phim Việt kết hợp cùng một chuẩn mực thẩm mỹ nhất quán của bản thân mình, Dustin Nguyễn đã làm nên một tác phẩm điện ảnh vô cùng độc đáo. Nó giống một trích đoạn của Liêu trai chí dị không đầu cuối. Riêng về cái đẹp trong Bao giờ có yêu nhau, thì có một sự tương đồng kỳ lạ với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ, dù D.O.P khác nhau và hai đạo diễn là hai thực thể độc lập, đó là niềm tin mãnh liệt vào cái đẹp mà họ nhìn thấy. Vì thế, với những con người có niềm tin như họ, thì một lời chê đại loại như sến, giả hay màu mè đều vô nghĩa. Và cái đẹp, suy cho cùng, cũng chỉ là công cụ truyền tải cảm giác. Phải, đích đến của một tác phẩm nghệ thuật chính là cảm giác đọng lại nơi người tiếp cận nó.
Cả bộ phim được phủ một tông màu rực rỡ đến choáng ngợp và đôi khi, nó khiến người ta lầm tưởng đây là cuộc chơi màu sắc của một nhà nhiếp ảnh nào đấy. Lối sử dụng màu sắc một cách siêu thực như thế ít nhiều sẽ vô tình tạo nên một khoảng cách cho tác phẩm và người xem. Tuy nhiên, cũng hợp lý thôi, vì những thứ mà Dustin Nguyễn kể trong Bao giờ có yêu nhau hoàn toàn không phải là một bản drama thường thấy. Mối duyên từ kiếp trước sang kiếp sau giữa Linh, Huy, Phương được diễn đạt qua những déjà vu, những Thiền, những triết lý nhân sinh đã dẫn dắt người xem đi đến câu hỏi về thân phận tình yêu hơn là câu trả lời cho câu chuyện tình yêu. May mắn thay, ở lần thể nghiệm này, Dustin Nguyễn đã rất thành công.
Sau hai lần xem Bao giờ có yêu nhau, điều lãng đãng trong tâm trí tôi chưa bao giờ là những tình tiết nhân vật Linh (Minh Hằng) đã gặp Huy (Quý Bình) ra sao, hay những tai ương họ vướng phải. Ngay mở đầu phim, với nhịp phim hết sức chậm rãi và những chi tiết bí ẩn cài cắm vào, Dustin Nguyễn đã làm ra được một thứ cảm giác bất an theo kiểu "yêu nhau trong lo âu" (Dạ khúc cho tình nhân - Lê Uyên Phương) vậy. Nếu nắm bắt được nỗi bất an này, người xem sẽ tự nhiên bị cuốn theo đường đi nước bước của nó. Nó không chỉ đưa ta tới những uẩn khúc mà còn dẫn ta đi qua mọi cung bậc cảm xúc, để cuối cùng ta nhận ra, chính nỗi buồn là thứ trang sức lộng lẫy tô điểm cho tình yêu thêm phần đẹp đẽ. Trong bài hát Bản tình cuối nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có câu: "Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào/Một lần gặp gỡ nhưng tình đã xa xưa", nghe thì có vẻ lãng mạn, song đưa tình huống này vào điện ảnh mà xử lý không khéo sẽ dễ dàng khiến người xem nảy sinh hoài nghi ở những gì họ thấy. Chính nỗi bất an đã làm người ta đặt niềm tin vào sự say đắm của đôi trai gái mới chỉ vừa gặp nhau kia. Hay như trong bản Kiếp nào có yêu nhau của nhạc sĩ Phạm Duy - bài hát chủ đề và cũng là nguồn cảm hứng cho phim có câu: "Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ". Hình ảnh bé gái cắm bông hoa xuống cát chưa từng thừa thãi hay minh họa. Ngay từ cảnh đầu tiên của phim là hình ảnh đóa hoa sắp tàn - đóa sen trắng ám ảnh suốt những giấc mơ của chàng trai bị mắc kẹt giữa một mối tình oan trái. Nó khiến người xem cảm tưởng đạo diễn thả họ vào một một đoạn nào đó của câu chuyện, như hình ảnh chàng trai trơ trọi giữa mênh mông cát vàng và lạc giọng trong tiếng kêu thê thiết: "Linh ơi". Người ta mặc nhiên nhận biết, những nhân vật trong phim đã có một sự ràng buộc tự kiếp trước.
|
Và sau đóa sen bung cánh ấy là cả một hồ sen lấp lánh muôn màu mà nếu trong một bộ phim khác nó rất dễ trở nên giả tạo, đó chưa kể đến hình ảnh hai người bay trên không trung. Dustin Nguyễn biết cách thuyết phục người xem tiếp nhận thẩm mỹ của anh. Cũng chẳng cần xếp loại thẩm mỹ ấy vào chiếu nào, thị trường hay arthouse. Vào đúng lúc người xem ngơ ngác chưa biết cái đống màu lòe loẹt từ đâu ra và dùng làm gì thì một Minh Hằng mang một thần thái tuyệt đối ma mị hiện ra. Nàng nói "mọi cái đẹp trên đời anh phải biết nắm bắt đúng lúc". Mọi thứ trong khuôn hình ấy hài hòa với nhau đem lại sự dễ chịu cho người xem, quan trọng là thế.
Đến Bao giờ có yêu nhau, Dustin Nguyễn đã rất uyển chuyển trong việc đưa những triết lý nhân sinh của mình vào thứ nghệ thuật anh theo đuổi, khác xa với thời Lửa Phật gồng gượng và cứng ngắc. Rồi bài hát của Lê Cát Trọng Lý vang lên. Giây phút ấy, Dustin Nguyễn cho người ta chạm vào vẻ đẹp mà không một ai trong chúng ta nhìn thấy - ngay cả với bản thân anh thì vẻ đẹp đó cũng chỉ là cái vỗ cánh của sáng tạo. Vẻ đẹp sau cái chết chứ không phải cái chết - thứ luôn quyến rũ con người. Chúng ta không thể bàn về một thứ mà chẳng ai biết rõ. Những đốm màu nhấp nháy hoặc có thể làm ta thích thú, hoặc có thể làm ta buồn cười, song cá nhân tôi thì sau khi thưởng thức màn diễn xuất của Minh Hằng đã không còn để ý đến chúng nữa. "Tại sao anh không thể yêu em?", câu hỏi đơn giản này đặt trong bối cảnh ấy hóa thân một nỗi buồn muôn năm về thứ được gọi là tình.
Cũng như cái vẻ đẹp mà đạo diễn muốn hướng tới - vẻ đẹp của tàn lụi, như đóa hoa đã chết, điều làm cho những cuộc tình trong Bao giờ có yêu nhau trở nên vĩnh cửu chính là cái sự không được viên mãn của nó. Diễn xuất quá ăn ý của Minh Hằng và Quý Bình mà trong đó, mỗi cá nhân đều thể hiện được tài năng nổi bật của mình đã hỗ trợ Dustin Nguyễn rất nhiều để làm được nỗi ám ảnh xuyên suốt tác phẩm. Quý Bình luôn làm tốt như vậy. Còn Minh Hằng, người vốn đã thuộc trường phái thực lực từ thời mới chập chững đóng những bộ phim truyền hình, đến Bao giờ có yêu nhau này, cô đã khiến khán giả ngạc nhiên vì khả năng diễn xuất của mình. Hình ảnh người phụ nữ mang một nỗi đau đớn nằm trong căn nhà cổ, hay ánh nhìn u uẩn của cô gái không bao giờ mặc họa tiết in hoa ngồi trên xích đu khiến người ta phải giật mình tự vấn bản thân. Không phải câu chuyện yêu đương của mình mở ra và khép lại như thế nào, mà mình là ai giữa bể tình mênh mông ấy.
|
Sau Trúng số, chắc hẳn không cần nghi ngại nhiều về tay nghề của Dustin Nguyễn nữa. Nếu có điều gì khiến khán giả mong đợi ở anh thì chính là một bản dựng chỉn chu chuyên nghiệp hơn. Và Bao giờ có yêu nhau đã thỏa mãn được điều đó. Bộ phim giống như một bản nhạc tình đầy thi vị, có trầm có bổng, có cái tôi của người nghệ sĩ, có ca từ hay có giai điệu đẹp, song quan trọng nhất vẫn là sự mượt mà trong việc nuôi giữ cảm xúc cho người xem. Phim không làm người ta nghẹn ngào rơi lệ. Hiểu ra được cuộc đời, thì ai còn nức nở? Chỉ là một nỗi day dứt vảng vất đến cuối phim, cho những gì không trọn vẹn như bản chất của cuộc sống. Và một tiếng thở dài tiếc thương khi cánh hoa rơi rụng.
Nhưng nghịch lý là, hoa đã tàn mà tình vẫn xanh. Bởi dẫu cho có rơi vào những bất an, người ta vẫn muốn dấn thân vào ái tình. Vì thế, tình phải vác mình đi qua nhiều kiếp, để gặp nhau một lần nữa và để dang dở một lần nữa. Như lời ai oán từ chiếc đĩa than cũ kỹ phát ra:
"Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?"
Trăng thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?"
Bình luận (0)